Phát triển nguồn điện nên dựa vào mức tăng trưởng nền kinh tế

PHƯƠNG THANH 16/04/2021 05:00

Sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ phụ thuộc vào mức độ phát triển của nền kinh tế, cụ thể sẽ dựa trên hai chỉ số hệ số đàn hồi điện và cường độ sử dụng điện.

Cần có cơ chế chính sách để kích thích nhu cầu phụ tải

Cần có cơ chế chính sách để kích thích nhu cầu phụ tải

Theo TS Nguyễn Xuân Huy -  Khoa Kỹ thuật địa chất & Dầu khí, Đại Học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công thương cần nắm rõ sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, dựa trên 2 chỉ số gồm hệ số đàn hồi điện và cường độ sử dụng điện. Từ đó mới lên kế hoạch dự báo công suất nguồn điện lắp đặt và phân bố cơ cấu tỷ trọng nguồn điện phù hợp theo từng giai đoạn, từng địa phương. Tránh được hệ luỵ quy hoạch không đồng bộ, phải cắt giảm công suất hàng loạt các dự án phát triển năng lượng tái như hiện nay.

Hệ số đàn hồi điện 

Từ dữ liệu Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, những tháng đầu năm 2021 sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó tỷ trọng điện năng lượng tái tạo đóng góp trong hệ thống chiếm trên 25% tổng công suất lắp đặt. Tuy nhiên, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là điện mặt trời nên điều này khiến các nhà đầu tư phát triển dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam vô cùng lo lắng.

Cường độ sử dụng điện (kWh/1000 USD) của Việt Nam hiện đang rất cao, chiếm 928 KWh/1000 USD.

Cường độ sử dụng điện (kWh/1000 USD) của Việt Nam hiện đang rất cao, chiếm 928 KWh/1000 USD.

Hệ số đàn hồi về điện năng là tỷ lệ giữa mức tăng trưởng về nhu cầu điện năng và mức tăng trưởng của GDP, (dữ liệu điện thương phẩm; trang 33, QHĐ - Quy hoạch điện VIII) và (công suất lắp đặt nguồn; trang 52, QHĐ VIII), cùng với (tốc độ tăng trưởng GDP; trang 115, QHĐ VIII). Bởi dữ liệu này cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm trung bình chỉ chiếm khoảng 6%, nhưng sản lượng điện thương phẩm luôn gia tăng ở mức cao, từ 8% đến 14%.

Nhóm chuyên gia nhận định, hiện tượng này cho thấy điện thương phẩm đang tăng cao hơn mức tăng trưởng kinh tế nên dẫn đến hệ số đàn hồi điện dao động ở mức trung bình 1,67 trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, có nghĩa là Việt Nam đang ngày càng trở nên kém hiệu quả trong vấn đề sử dụng năng lượng.

Trong khi đó, tại các nước có nền kinh tế phát triển như (G8, G20, OECD) giá trị hệ số đàn hồi thường nhỏ hơn 1. Như vậy, thông qua các chỉ tiêu hiện nay cho thấy, hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam còn thấp, chưa tạo ra được giá trị kinh tế cao từ mỗi kWh điện.

Mặc dù sản lượng điện thương phẩm tiêu thụ chỉ tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên mức tăng trưởng kinh tế GDP ở quý 1 cũng chỉ đạt khoảng 4,48% (Tồng cục thống kê quốc gia). Còn theo dự báo tăng trưởng kinh tế cuối năm đạt khoảng 6.5 – 7.1%, thì sản lượng điện thương phẩm ước tính chỉ tăng khoảng 9 – 10%.

Như vậy cho thấy, do nguồn cung tăng nhanh hơn so với mức tiêu thụ vì thế dự báo khả năng cao sản lượng năng lượng tái tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục bị cắt giảm đến hết năm 2021, thậm chí cả năm 2022 nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì như hiện nay.

Cường độ sử dụng điện

Đưa ra các giải pháp cân đối tính toán phê duyệt tổng công suất lắp đặt nguồn điện cho giai đoạn tới, theo TS Nguyễn Xuân Huy, ngoài đánh giá kinh tế dựa trên chỉ số hệ số đàn hồi điện, chúng ta cần đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng điện để có một sơ đồ số liệu chính xác nhất. Cụ thể, hiệu quả sử dụng năng lượng, hay là mức tiêu thụ năng lượng, tiêu thụ điện để làm ra một đơn vị GDP được xác định là tỷ lệ giữa sản lượng điện sản xuất và tổng thu nhập quốc dân GDP.

Như vậy từ số liệu trên biểu đồ, cường độ sử dụng điện (kWh/1000 USD) của Việt Nam hiện đang rất cao, chiếm 928 KWh/1000 USD. Điều này có nghĩa là khi sử dụng 1KWh điện thì ở Việt Nam chỉ tạo ra giá trị 1,07 USD, còn Thái Lan có giá trị 2,75 USD, Indonesia có giá trị 4,18 USD.

Điều này thể hiện rõ nhu cầu sử dụng năng lượng của nước ta còn kém hiệu quả, dẫn tới chi phí sản xuất cao và tính cạnh tranh lại thấp.

Chẳng hạn, hiện nay ngành công nghiệp- xây dựng Việt Nam tiêu thụ khoảng 41% điện năng, trong đó, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, thép được đánh giá là tiêu tốn nhiều năng lượng nhưng ngành này chỉ mang lại 38% GDP. Trong khi đó, ngành nông-lâm- thủy sản vốn là những ngành tiêu thụ ít năng lượng, chỉ tiêu thụ 15.1% tổng điện năng nhưng đem lại 45% GDP (2019).

Trước những bất cập trên, nhóm chuyên gia nhận định, thực trạng cơ sở hạ tầng của ngành điện Việt Nam phát triển rất nhanh, quy mô tổng công suất lắp nguồn điện đã đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á, vượt qua cả Thái Lan. Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả năng lượng để phát triển kinh tế còn thấp, thể hiện qua hệ số đàn hồi điện và cường độ sử dụng điện vẫn còn cao.

Do đó để có một quy hoạch tổng thể về nguồn công suất lắp đặt, chúng ta cần phải nghiên cứu những giải pháp sau: Một là cần có cơ chế chính sách để kích thích nhu cầu phụ tải tăng nhanh hơn trong các ngành tiêu thụ ít năng lượng nhưng tạo giá trị GDP cao để sử dụng điện hiệu quả hơn so với đầu tư thêm nguồn điện.

Hai là, đề xuất tăng giá điện cho những ngành có tiêu thụ điện năng lớn, sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng mang lại hiệu quả kinh tế thấp.

Ba là, cần phải nâng cao cải tiến cơ sở hạ tầng hệ thống điện nhằm giảm thiểu tổn hao điện, công nghệ phát điện cũng phải lựa chọn công nghệ tiên tiến, tránh nhập khẩu những công nghệ lạc hậu từ nước khác. Việt Nam cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm các nước đi trước để cơ cấu tỷ trọng các nguồn điện hợp lý theo lộ trình từng năm và vận hành sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần có phương án sử dụng tối đa nguồn điện gió

    Cần có phương án sử dụng tối đa nguồn điện gió

    03:45, 07/04/2021

  • Cần có bài toán giám sát, quản lý tổng công suất nguồn điện

    Cần có bài toán giám sát, quản lý tổng công suất nguồn điện

    04:00, 08/03/2021

  • Cần tăng khả năng phát triển nguồn điện nền

    Cần tăng khả năng phát triển nguồn điện nền

    02:00, 18/01/2021

  • Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiếu hụt công suất nguồn điện là hiện hữu

    Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiếu hụt công suất nguồn điện là hiện hữu

    16:01, 15/06/2020

  • Thiếu hụt công suất nguồn điện là hiện hữu

    Thiếu hụt công suất nguồn điện là hiện hữu

    09:47, 15/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển nguồn điện nên dựa vào mức tăng trưởng nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO