Nguồn nhân lực logistics Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu đổi mới cả về chất và lượng, đòi hỏi cần chiến lược cụ thể hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi dịch vụ toàn cầu.
>>Giải bài toán nhân lực cho ngành logistics
Đó là những nhận định của PGS.TS. Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) trong cuộc trò chuyện với Diễn đàn Doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực logistics đáp ứng các yêu cầu và xu hướng mới của thị trường trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
- Ông nhận định như thế nào về xu hướng phát triển của lĩnh vực Logistics và quản lý chuỗi cung ứng và vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành này?
Lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng những năm gần đây nổi lên một số xu hướng phát triển mới, được định hình do kết quả của cách mạng công nghiệp 4.0, mang đến những thay đổi to lớn đối tới mọi thành phần kinh tế. Có thể kể đến: xu hướng nền kinh tế chia sẻ, xu hướng logistics đa kênh, xu hướng cá thể hóa hàng loạt, xu hướng logistics bền vững, xu hướng các nền tảng thị trường logistics, logistics xanh…Song song với đó, là các công nghệ ứng dụng trong các hoạt động logistics như Trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật (IOT), Thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), công nghệ robot và tự động hóa, ...
Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới xét về tính hội nhập và độ mở cửa của nền kinh tế. Công cuộc phát triển đất nước cũng đòi hỏi sự phát triển logistics để hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã xác định sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có nhóm nhiệm vụ giải pháp “Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” với các nhiệm vụ cụ thể đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học và đào tạo nghề, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, kết nối các đơn vị đào tạo và doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế, hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh về logistics.
>>Nhân lực blockchain: Lương ngàn đô nhưng vẫn khó tuyển
- Trên thực tế chất lượng nguồn nhân lực có tương xứng với nhu cầu hiện nay, thưa ông?
Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI), đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam (VIRAC), có từ 60 đến 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp. Báo cáo năm 2019 của tổ chức Australian Aid cũng chỉ ra rằng mặc dù các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm và sẵn lòng chi trả nhiều hơn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, kết quả đạt được vẫn còn rất khiêm tốn.
Kiến thức và kỹ năng của nguồn nhân lực logistics Việt Nam cũng cho thấy sự chênh lệch rõ rệt so với nhu cầu của người sử dụng nhân lực từ các doanh nghiệp logistics và công ty sản xuất. Dự báo kỹ năng nghề logistics 2021 – 2023 của Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề logistics (LIRC) cho thấy lực lượng nhân lực logistics nước ta chưa đáp ứng được các như kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistcs, kiến thức và kỹ năng về quản trị thu mua, quản trị vận tải, quản trị kho hàng … Bên cạnh đó, người lao động trong lĩnh vực logistics trong nước cũng rất cần được đào tạo và nâng cao về tính sáng tạo, khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề, khả nặng lập kế hoạch cũng như tư duy tích cực trong công việc.
>>Khởi nghiệp và bài toán nguồn nhân lực
- Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong những năm qua, VALOMA đã có những hoạt động cụ thể ra sao, thưa ông?
Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tiền thân là Mạng lưới Đào tạo Logistics Việt Nam. Các hoạt động mà Hiệp hội đang thực hiện đều hướng tới giá trị thiết thực cho hội viên và cộng đồng.
Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam do VALOMA khởi xướng từ năm 2018. Đến năm 2021, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của 50 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc với 549 đội và hơn 2000 thí sinh tham gia dự thi. VALOMA CONFEST bao gồm các toạ đàm, hội thảo, hoạt động cộng đồng nhằm lan toả giá trị của Hiệp hội tới cộng đồng logistics Việt Nam, được khởi xướng và tổ chức từ năm 2021. Tọa đàm “Khởi nghiệp cùng Logistics”, hoạt động “Tham quan, khảo sát thực tế” tại doanh nghiệp, cảng biển, ga đường sắt, các cửa khẩu quốc tế nhằm tiếp cận thực tế ngành logistics, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo. Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam, là nơi hội tụ, gắn kết 28 trường đại học, cao đẳng với tổng cộng 813 sinh viên là thành viên…
- Đứng trước những thay đổi và áp lực từ các xu hướng mới, đặc biệt trong xu thế phát triển nhanh của chuyển đổi số, VALOMA xác định nhân lực là yếu tố giữ vai trò quyết định. Để thực hiện được mục tiêu đó, các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Thứ nhất, phối hợp nghiên cứu chung, đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và chuyển giao công nghệ về chuyển đổi số, logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh.
Thứ hai, phối hợp nghiên cứu, đề xuất xây dựng các bộ chuẩn chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đối với các vị trí công việc trong ngành. Đồng thời, xây dựng các khóa học chuyên sâu, bổ sung, cập nhật cho các đối tượng theo nhiệm vụ cụ thể để triển khai Quản trị Nhân lực Xanh (Green Human Resource Management), gắn với Logisics và Quản trị Chuỗi cung ứng xanh (Green Logistics and SCM).
Thứ ba, tăng cường phối hợp, chia sẻ nguồn lực về cơ sở vật chất, giáo trình tài liệu và chuyên gia. Hiện các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy.
Thứ tư, tăng cường hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội để gắn hoạt động đào tạo, thực hành: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Hiệp hội Logistics tại các địa phương, Hiệp hội Cảng biển, Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Vận tải ô tô, v.v...
Thứ năm, tăng cường kết nối quốc tế để trao đổi, học hỏi về kinh nghiệm đào tạo, tiếp cận các nguồn tài trợ phát triển cơ sở vật chất, nguồn học bổng, chuyển giao công nghệ và các hợp tác nghiên cứu khoa học…
VALOMA hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước nói chung cũng như năng lực cạnh tranh và hiệu quả của ngành logistics nói riêng.
Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm