Phát triển nông nghiệp thông minh phải đi vào thực tiễn và xóa bỏ những mặt hạn chế để người nông dân lĩnh hội, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập.
“Nông nghiệp có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta; là ngành sản xuất ra những sản phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt của con người, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững”- phát biểu của ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ Trưởng Vụ Nông nghiệp – Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, tại hội thảo kết nối cung cầu công nghệ nông, lâm, thủy sản năm 2019, tại tỉnh Phú Yên.
Theo ông Tiến, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, tích cực.
Cụ thể, ở giai đoạn 2008 – 2017, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm; quy mô GDP ngành năm 2017 gấp 1,25 lần, giá trị sản xuất ngành gấp 1,37 lần năm 2008. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,76%.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, vẫn còn có nhiều mặt hạn chế như: Dễ bị tổn thất lớn khi có thiên tai, biến động của thị trường; tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước khá nghiêm trọng dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Đời sống người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập thấp, bấp bên, thiếu ổn định.
Liên quan tới vấn đề phát triển nông nghiệp trong hội nhập quốc tế, ông Nguyễn Quang Tin – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định trong bố cảnh toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cùng với việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA), mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn phải nỗ lực vượt qua cho ngành nông nghiệp.
Vì vậy, trước những đòi hỏi của thực tiễn và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phat triển bền vững ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Tin, ngành Nông nghiệp xác định ứng dụng KHCN là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Từ khi ngành nông nghiệp thực hiện Đề án tái cơ cấu và nhất là trong thời gian gần đây, đã xuất hiện xu hướng nhiều doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng KHCN, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên nhiều tỉnh với tổng số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đơn cử: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn TH, Tập đoàn Dabaco, Công ty Thái Dương…
Có thể bạn quan tâm
19:00, 15/08/2019
17:54, 12/08/2019
13:00, 23/07/2019
11:29, 14/08/2019
07:49, 13/08/2019
03:16, 14/07/2019
Cũng theo ông Tín, tuy nhiên, thực tế nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đã được xây dựng và phát triển khắp cả nước nhưng chưa đề nghi công nhận như: vùng sản xuất lúa giống, sản xuất gạo thương phẩm chất lượng cao; vùng sản xuất trái cây hàng hóa theo quy trình VietGAP có ứng dụng công nghệ tự động trong tưới tiêu, bón phân; vùng sản xuất rau an toàn trong hệ thống nhà màng, nhà kính; vùng chăn nuôi gia súc gia cầm quy mô công nghiệp áp dụng quy trình tự động hóa và tiêu chuẩn VietGAPH, GlobalGAPH…
Theo TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần RYNAN Holding, vốn dĩ người nông dân Việt Nam rất thông minh, vấn đề phải làm sao cho họ hiểu được và tiếp cận công nghệ mới. Việc tiếp cận và sử dụng công nghệ không khó, chỉ cần thao tác rất đơn giản là có thể phục vụ được nhu cầu sản xuất trong nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, Internet đã phủ sóng khắp mọi nơi.
Trên thực tế thì họ vẫn đang rất thiếu kiến thức về công nghệ mới và nhiều người quản lý làm công việc giúp nông dân cũng chưa biết về công nghệ này. "Vì vậy, chúng ta phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực để có đủ đội ngũ người trẻ hơn, giỏi về công nghệ hơn, nhất là công nghệ 4.0. Đồng thời những công ty khởi nghiệp có thể sử dụng những thiết bị kết nối vạn vật, ứng dụng di động để giúp nông dân và giúp những doanh nhân nông nghiệp sử dụng hiệu quả công nghệ này. Điển hình là trong thời gian gần đây, Rynan Holdings JSC đã lập mạng lưới quan trắc nước thông minh tại nhiều tỉnh vùng ĐBSLC, và nhiều tỉnh khác để giúp nông dân làm lúa hoặc nuôi tôm thông qua điện thoại, mà không cần ra đồng." - ông nói.