Đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn là cách để doanh nhân góp phần thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
>>>DIỄN ĐÀN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững
Đó là khẳng định của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công tại Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững đang diễn ra vào chiều nay (28/6) tại Hội trường Thống nhất, 61 Nguyễn Huệ, Phường 1, TP. Tân An, tỉnh Long An.
Diễn đàn nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt, làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023” chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”.
Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre; Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; và hơn 300 khách mời đến từ các Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; Bộ Công Thương; lãnh đạo VCCI; lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL; đại diện các Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT các tỉnh ĐBSCL cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Long An, khu vực Đông và Tây Nam Bộ và doanh nghiệp trực thuộc Eurocham;
Về phía ban tổ chức có: Ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An; Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ); Công ty CP Phân bón Bình Điền; Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam - Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNVVV ngành gia vị rau quả Việt Nam....
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, tầm quan trọng và các định hướng lớn để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững đã được nêu trong Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định 150/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đặc biệt, Nghị quyết 19 đã nêu rõ: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.
Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng đề ra mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao.
“Khi chúng ta chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá, có sức cạnh tranh cao, đây chính là bước đột phá về tư duy và cách làm nông nghiệp. Và để thực hiện điều này, bên cạnh người Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp thì vai trò của doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp sẽ ngày càng cao, thậm chí để thành công thì người nông dân cũng sẽ cần có tư duy của doanh nhân, doanh nghiệp để thực hành làm kinh tế nông nghiệp”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời các doanh nghiệp đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, ông Công cho rằng, so với yêu cầu và tiềm năng to lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay, dư địa đầu tư vẫn còn rất lớn và để nông nghiệp Việt Nam bứt phá phát triển mạnh hơn nữa, chúng ta vẫn cần nhiều hơn nữa sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
>>Long An chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Dẫn số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương, trong đó có các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
“Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện mục tiêu của ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới: ‘Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có’ càng đòi hỏi nhiều hơn sự tham gia và thể hiện vai trò của các doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp sẽ là những người mở đường để ngành nông nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên, khẳng định vị thế trên thế giới và từ đây, mang lại hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập cho người nông dân”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, vai trò của doanh nghiệp thể hiện rất rõ trong những năm gần đây khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ nét, đưa giá trị và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng mà còn “chinh phục” thị trường thế giới.
Cũng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, nêu rõ các giải pháp nổi bật như: Doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên. Hoặc như hỗ trợ cơ sở chế biến nông sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm 60% kinh phí đầu tư và không quá 15 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án,…
Bên cạnh đó, Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững đã nhấn mạnh: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
“Những chính sách trên cho thấy Nhà nước đang rất quan tâm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp luôn hàm chứa nhiều rủi ro khó lường trước, nên để đưa chính sách đi vào thực tiễn, chúng tôi cho rằng Chính phủ và các địa phương cần đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nông nghiệp, chúng ta cũng cần xây dựng các mô hình, các doanh nghiệp thành công trong đầu tư vào nông nghiệp để nhân rộng và khích lệ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tiềm năng”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá.
Với các doanh nhân, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đề nghị: Dẫu biết, đầu tư vào ngành nông nghiệp là ngành nghề gặp nhiều rủi ro và khó khăn, lợi nhuận thì mỏng, bấp bênh, nhưng việc đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là phát huy thế mạnh nổi bật của nước ta, cơ hội thành công vì thế cũng rất lớn và đặc biệt hơn, là tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn là cách để doanh nhân góp phần thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Đây cũng là sứ mệnh của doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, tại Diễn đàn này, chúng ta sẽ được nghe các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương chia sẻ về định hướng phát triển nông nghiệp bền vững và các chính sách thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL và cơ chế thúc đẩy hợp tác đầu tư, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa TP. HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL.
“Chúng ta cũng sẽ thảo luận về các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, với trọng tâm là các giải pháp nâng cao giá trị nông sản “chiếm lĩnh” các thị trường xuất khẩu bền vững, tận dụng lợi thế từ các FTA; cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thu hoạch và chế biến; hạ tầng logistics cho chuỗi giá trị nông sản; các đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
DIỄN ĐÀN PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững
13:00, 28/06/2023
Cơ chế "mở đường" thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao
04:00, 28/06/2023
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chưa đồng bộ
04:00, 27/06/2023
Hà Nội tìm giải pháp tăng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
00:01, 26/06/2023