Bình luận

Phát triển tài chính xanh: Cần chính sách đồng bộ

YẾN NHUNG 08/08/2024 03:30

Để thúc đẩy thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp hay Nhà nước muốn là làm được mà cần có sự nỗ lực từ cả Chính phủ, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, việc hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững đã trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, việc thúc đẩy tài chính xanh rất quan trọng nhằm điều hướng nguồn lực tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường.

1556_phat_trien_nang_luong_3438b.jpg
Việc thúc đẩy tài chính xanh rất quan trọng nhằm điều hướng nguồn lực tài chính vào các dự án thân thiện với môi trường - Ảnh minh họa: ITN

Mặc dù tài chính xanh là một khái niệm tương đối mới ở Việt Nam nhưng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ cả khu vực công và tư. Hiện dòng vốn xanh từ thị trường quốc tế rất lớn và các nhà đầu tư rất thiện chí tìm hiểu để đầu tư về Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt lại khó tiếp cận được dòng vốn này.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, gói đầu tư 15,5 tỷ USD mà cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) dành cho Việt Nam để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, song hiện gói tín dụng này chưa tìm được dự án vay khả thi do những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý.

Đáng nói, lĩnh vực tài chính xanh hiện nay được nói tới rất nhiều nhưng thực hiện lại rất ít.

“Thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời... vẫn chỉ là những khoản cho vay thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào”, ông Nghĩa chia sẻ.

Hiện trong nước có một quỹ tài trợ xanh là Quỹ bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý với tổng nguồn vốn 1.800 tỷ đồng. Số dư này chỉ dùng để cho vay các dự án xử lý rác thải. Tuy nhiên, điều kiện để được vay gói này cũng rất nghiêm ngặt, không khác những khoản tín dụng thông thường như phải có tài sản đảm bảo, tuân thủ hạn mức tín dụng.

Theo ông Nghĩa, gói này chỉ khác là có lãi suất thấp hơn thị trường 2%, đây chưa thể coi là một quỹ tài chính xanh và quy mô quỹ càng không tương xứng với nhu cầu để Việt Nam chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến năm 2030 (theo ước tính của Ngân hàng Thế giới cần tới 360-400 tỷ USD). Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quan tâm đúng mức với lĩnh vực này.

3251657183961.jpg
Để thúc đẩy thị trường tài chính xanh tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách đồng bộ - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Tín dụng và Dịch vụ Tài chính xanh FiinRatings cho biết, dù ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với tăng trưởng tín dụng chung, nhưng tín dụng xanh mới chiếm 4,32% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, cho thấy còn nhiều dư địa phát triển.

Cho tới hiện tại, chỉ có 2 lô trái phiếu xanh phát hành trong nước. Đối với thị trường tài chính xanh, trái phiếu xanh Việt Nam được nhắc đến và thúc đẩy rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, để thúc đẩy thị trường tài chính xanh trong nước, ông Tùng Anh cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định một cách hiệu quả, nhất quán.

Ngoài ra, cần phải nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh. Đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.

“Việc đưa ra các tiêu chí và quy định cụ thể về thị trường tài chính xanh là một bước đi đúng hướng, tuy nhiên cần có các cơ chế kiểm soát và giám sát để đảm bảo tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường. Nếu được thực hiện đúng cách, thị trường trái phiếu xanh và tín dụng xanh sẽ không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường mà còn tạo ra các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế bền vững cho đất nước”, chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Tài chính PAN Group chia sẻ, với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu và Mỹ, ngay từ đầu, doanh nghiệp này đã chú trọng việc chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Trong quá trình huy động vốn, ông Tuấn cho biết, PAN Group đã tiếp cận nhiều định chế tài chính quốc tế. Sau khi xem xét và thẩm định hồ sơ, chính các định chế tài chính này đã đưa ra những sản phẩm tài chính xanh phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp.

“Do đó, doanh nghiệp cần chú ý đến nguồn vốn chủ động. Đồng thời, nếu muốn tiếp cận các định chế tài chính, bản thân doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững cũng như quản trị bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển tài chính xanh: Cần chính sách đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO