Các hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ, phát triển thị trường KHCN, đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội bám sát thực tiễn và nhu cầu của các ngành, địa phương, doanh nghiệp.
>>>Hà Nội hướng tới mục tiêu dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
Khoa học và Công nghệ (KHCN) là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hà Nội và tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển bền vững. Hiện nay, Hà Nội đã trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) hàng đầu cả nước.
Để làm rõ hơn những kết quả, tiến bộ quan trọng về KHCN&ĐMST Thủ đô Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hồng Sơn - Thành ủy viên, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội.
- Xin ông cho biết những thành quả từng bước đưa thành phố Hà Nội trở thành trung tâm KHCN hàng đầu cả nước?
Thủ đô Hà Nội là một trung tâm lớn về KHCN, 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ khoa học và tiến sỹ cả nước; 80% các trường đại học, viện nghiên cứu; 82% phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; khoảng 85% nhiệm vụ sau khi nghiệm thu đã được áp dụng vào thực tiễn; 100% số dự án sản xuất thử nghiệm được áp dụng.
Hà Nội đã quan tâm khai thác, phát huy tiềm lực KHCN trên địa bàn, nhất là trí tuệ, tiềm năng “chất xám” của đội ngũ trí thức, các trường đại học và cao đẳng, viện nghiên cứu, từng bước góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.
Tiềm lực KHCN được quan tâm đầu tư phát triển, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đã và đang xây dựng hạ tầng 02 khu công nghệ thông tin tập trung (Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội) và một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo mô hình, định hướng khu CNTT tập trung trên địa bàn Thủ đô. Đưa vào hoạt động Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội, dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ, giám định công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thị trường KHCN từng bước được phát triển; ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án KHCN được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả tốt trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thủ đô. Đã triển khai nhiều Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ trong các ngành lĩnh vực ưu tiên; hỗ trợ khởi nghiệp, ĐMST; thiết lập Sàn giao dịch công nghệ và tổ chức thành công nhiều hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành.
Chương trình số 07-CTr/TU đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025, phấn đấu đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế; tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Quý I/2023, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.727 (cả nước có 7.962 đơn, Hà Nội chiếm 34,2% và đứng đầu cả nước) trong đó 71 đơn sáng chế, 30 đơn giải pháp hữu ích, 105 đơn kiểu dáng công nghiệp, 2.521 đơn nhãn hiệu). Số lượng bằng/giấy chứng nhận sở hữu công nghiệp đã được cấp trong Quý I/2023 trên địa bàn Thành phố là 629 (cả nước có 1.902 bằng, Hà Nội chiếm 33,1% và đứng thứ 2 cả nước), trong đó 49 bằng sáng chế, 57 bằng giải pháp hữu ích, 97 bằng kiểu dáng công nghiệp, 426 giấy đăng ký nhãn hiệu.
Theo kết quả đánh giá thử nghiệm năm 2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ số ĐMST của Hà Nội được xếp hạng số 1 trên toàn quốc (Hà Nội dẫn đầu với 61,07 điểm, Đà Nẵng xếp thứ 2 với 56,69 điểm; thứ 3 là Thành phố Hồ Chí minh với 52,27 điểm). Hà Nội cũng đang dẫn đầu cả nước với 151/750 Doanh nghiệp KHCN của cả nước đã được chứng nhận (chiếm hơn 1/5 số doanh nghiệp KHCN). Đặt mục tiêu đến năm 2025 có trên 200 Doanh nghiệp KHCN.
Hà Nội đã tổ chức thành công Cuộc thi sáng tạo trẻ trong thanh, thiếu niên, nhi đồng thành phố lần thứ 18, năm 2022 đánh dấu chất lượng vượt trội của Cuộc thi khi đoàn Hà Nội gửi đề tài tham gia thi toàn quốc, kết quả đạt 15 giải quốc giá, trong đó có 01 Giải đặt biệt, 01 Giải nhất, 02 Giải nhì, 07 Giải ba và 04 giải khuyến khích. Đây là năm đầu tiên Hà Nội đoạt Giải đặc biệt. Đã công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp Thành phố cho 1.099 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học. Kết quả của các đề tài, dự án đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Trong những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực KHCN tiếp tục được tăng cường thông qua việc tổ chức, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu (Techfest; TechDemo,…); các sự kiện quốc tế lớn (Tọa đàm về phát triển “Thành phố thông minh” phối hợp với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và 18 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ; Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo Hà Nội; Tọa đàm cấp cao tham vấn sáng kiến “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” phối hợp với Tổ chức UNESCO tại Việt Nam thực hiện).
- Triển khai nhiệm vụ công tác của ngành được quan tâm chỉ đạo thế nào, thưa ông?
Hàng năm, Sở Xây dựng, ban hành kế hoạch để chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác, phân công cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị thực hiện. Kết quả hoạt động KHCN và các nhiệm vụ chuyên môn hàng năm đều đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Năm 2023, Sở tập trung tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về KHCN, như: Tham mưu nội dung về phát triển tiềm lực KHCN&ĐMST phục vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tham mưu nội dung về KHCN&ĐMST trong quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Ngoài ra, đang triển khai thành lập Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội; đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2332/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 về Quy chế xét tặng “Giải thưởng Khoa học và Công nghệ Thủ đô”; Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND thành phố quy định một số nội dung chi và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố về nghiên cứu KH&CN.
Các hoạt động quản lý Nhà nước về Sở hữu trí tuệ, bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu cá nhân, chỉ dẫn địa lý, Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tiếp tục được chú trọng triển khai và đem lại những kết quả tốt.
Song song, tiếp tục cải cách TTHC, đổi mới phương thức đặt hàng, liên kết, có cơ chế, chính sách thu hút, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà Khoa học, viện, đại học trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển Thủ đô. Chủ trì, phối hợp với Bộ KHCN tổ chức các sự kiện về khởi nghiệp ĐMST; phối hợp tổ chức các triển lãm, hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối cung cầu công nghệ, thiết bị chuyên ngành nhằm phát triển thị trường KHCN gắn với khởi nghiệp ĐMST. Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyển chọn các nhiệm vụ KHCN phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố, có tầm quan trọng và giải quyết các vấn đề cấp bách như: ùn tắc giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý môi trường...
Ưu tiên thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, phát triển tài sản trí tuệ; Xây dựng, phát triển và quản lý các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp. Tính đến nay, Hà Nội có 2167 sản phẩm OCOP được trao giấy chứng nhận; phấn đấu số sản phẩm OCOP đạt 5 sao chiếm 3 - 5%.... Hà Nội đang có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố.
- Xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm KHCN&ĐMST hàng đầu cả nước được Thành phố xác định, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đến năm 2025 như thế nào, thưa ông?
Phát triển KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghệ cao với tiềm lực nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu, sáng chế và ứng dụng chuyển giao công nghệ dẫn đầu cả nước. Tiến tới nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nghiên cứu cơ bản về toán, vật lý và y học. Đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (data science) và trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G. Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố khoa học quốc tế. Dẫn đầu cả nước về hình thành, phát triển tài sản trí tuệ; xây dựng và phát triển thương hiệu Hà Nội.
Là đầu tàu của cả nước trong việc thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên nền tảng đổi mới công nghệ và áp dụng các hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến,.. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Thành phố dẫn đầu cả nước vào năm 2025, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2030 và thuộc nhóm dẫn đầu ở châu Á vào năm 2045.
Trở thành trung tâm cung ứng đào tạo nguồn nhân lực CNTT đáp ứng trình độ quốc tế hàng đầu cả nước; là 1 trung tâm phần mềm hàng đầu châu Á; Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị Thành phố; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số xây dựng Thành phố thông minh.
Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025: Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động 7,0 -7,5%; Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC trên tổng sản phẩm nông nghiệp trên 70%; Tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; Doanh nghiệp có hoạt ĐMST đạt trên 50%; Tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; Phấn đấu dẫn đầu cả nước về công bố quốc tế - tốc độ gia tăng đăng ký sáng chế thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Để thực hiện được các mục tiêu này, năm 2023, thành phố Hà Nội tập trung triển khai các nội dung sau:
Hoàn thiện nội dung đề xuất cơ chế, chính sách về KHCN&ĐMST cụ thể để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thành lập và đưa vào vận hành “Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”, thúc đẩy phát triển thị trường KHCN Thành phố.
Tiếp tục đầu tư và khai thác có hiệu quả các khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu CNTT tập trung, phòng thí nghiệm gắn với các lĩnh vực nghiên cứu ưu tiên; phát triển và nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin KHCN theo hướng chuyển đổi số.
Chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý KHCN&ĐMST. Chủ động phối hợp và triệt để khai thác, phát huy tiềm lực của các cơ quan quản lý và tổ chức KHCN&ĐMST của trung ương đóng trên địa bàn.
Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực...
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về KHCN&ĐMST của Hà Nội. Khẩn trương hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trung tâm thiết kế giới thiệu sản phẩm làng nghề.
Thực hiện các sáng kiến khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO và phát huy vai trò thành viên của Mạng lưới, xây dựng thương hiệu “Hà Nội - Thành phố sáng tạo”.
Tăng cường phối hợp, hợp tác, liên kết giữa các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp ở Hà Nội với các cơ quan quản lý và cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương trên địa bàn để triệt để khai thác nguồn lực này cho phát triển KHCN&ĐMST của Hà Nội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương trong cả nước, nhất là với các thành phố lớn và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN&ĐMST.
Nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, duy trì và phát huy vai trò của thành phố Hà Nội tại các diễn đàn quốc bằng việc tham gia tích cực và có chọn lọc các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác về thành phố sáng tạo, thành phố thông minh, phát triển bền vũng... nhằm tận dụng tri thức, kinh nghiệm và hỗ trợ trong giải quyết các thách thúc, phục vụ thiết thực cho việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, giao lưu văn hóa, qua đó nâng cao vị thế của Thủ đô Hà Nội trên trường quốc tế. Đẩy mạnh hiệu quả công tác đối ngoại hợp tác quốc tế, ký kết các thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực KHCN&ĐMST. Tập trung triển khai có hiệu quả các cam kết, thỏa thuận với đối tác quốc tế đã được ký kết. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, thu hút sự tham gia, đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài vào các hoạt động KHCN tại Việt Nam và thành phố Hà Nội
Có thể khẳng định, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã ban hành và thực thi nhiều chính sách đa dạng và đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp. Nhờ đó, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố được đánh giá là đang đi đầu cả nước và đang hình thành mối liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội điều chỉnh quy hoạch siêu dự án Thành phố thông minh
10:36, 22/07/2023
Hà Nội: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp với miền Trung
16:02, 08/07/2023
Hà Nội dành hơn 35 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số
00:38, 20/05/2023
Hà Nội: Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
10:02, 09/02/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
21:38, 07/02/2023
Hà Nội hướng tới mục tiêu dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số
22:10, 10/12/2022