Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã tích cực mời gọi, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương - mại dịch vụ theo quy hoạch. Nhờ đó, hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển ổn định.
>>>Thành phố Thái Bình khát vọng tuổi 20
Tuy nhiên, so với tiềm năng thì việc phát triển thương mại, dịch vụ này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh
Vai trò quan trọng thương mại điện tử
Từ đầu năm đến nay, ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình có nhiều khởi sắc như: Tăng trưởng mạnh; mạng lưới phân phối hàng hóa phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Thêm vào đó, hệ thống cửa hàng bán buôn, bán lẻ phát triển rộng khắp, phủ kín tới tận khu vực nông thôn, vùng biển tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, góp phần kích cầu sản xuất và tiêu dùng.
Trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 32.600 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 2.604 triệu USD, tăng 6,1% so với năm 2022; 5 tháng đầu năm đạt 1.046 triệu USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử (TMĐT) cũng từng bước được hiện thực hóa, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình. Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin được chú trọng đầu tư. Trong đó, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được phổ biến, giúp các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh bắt nhịp với xu hướng chung của toàn xã hội.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch HH Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Với quan điểm lấy thương mại dịch vụ làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã phát huy lợi thế, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng... để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thương mại dịch vụ. Nhờ vậy, hoạt động TMDV trên địa bàn ngày càng phát triển mạnh. Cụ thể sàn giao dịch TMĐT Thái Bình đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa người sản xuất và tiêu dùng. Nhiều hàng thủ công mỹ nghệ, nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống... là những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm và đặc sản vùng miền, từng bước đưa hoạt động TMĐT của tỉnh hội nhập với TMĐT trong nước, quốc tế.
Để thích ứng với xu hướng phát triển chung của thị trường, các siêu thị trên địa bàn cũng đã đổi mới phương thức quản lý và cách thức bán hàng theo hướng hiện đại hóa. Đại siêu thị Go Thái Bình thông tin, hiện nay Siêu thị đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và kinh doanh. Khách hàng có thể sử dụng Smartphone để truy xuất nguồn gốc toàn bộ sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt trên các ứng dụng ngân hàng, đặc biệt là Chương trình “Đi chợ online, mua sắm đủ đầy” qua Zalo hay ứng dụng Go trên điện thoại di động, giúp khách hàng mua sắm mọi lúc, mọi nơi và giao hàng tại nhà. Nhờ đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số, Siêu thị đã mở rộng đối tượng khách hàng, doanh thu luôn ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cùng bắt nhịp với xu hướng kinh doanh hiện đại, các cơ sở bán lẻ truyền thống cũng chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm quản trị bán hàng, hệ thống camera giám sát tự động... để quản lý thông tin bán hàng.
Chị Nguyễn Thu Trang - Quản lý cửa hàng mỹ phẩm - phường Phú Khánh, Thành phố Thái Bình cho biết: Hiện nay, các sản phẩm tại cửa hàng chúng tôi đều gắn mã phản hồi nhanh (mã QR). Khi mua sắm, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR in trên bao bì, vỏ bọc sản phẩm để kiểm tra chi tiết thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hay giá thành... của sản phẩm, giúp khách hàng yên tâm khi mua và sử dụng hàng hóa.
Cần thúc đẩy phát triển để tương xứng với tiềm năng
Xác định thương mại - dịch vụ là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại có trọng tâm, trọng điểm.
Theo Sở Công thương: Thời gian qua, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã đạt được những kết quả khả quan, song trong quá trình hoạt động vẫn còn có những hạn chế. Cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ thương mại, nhất là mạng lưới chợ chưa được đầu tư kiên cố, chủ yếu là xây bán kiên cố, chợ tạm. Khối lượng hàng hóa lưu thông qua các loại hình kinh doanh hiện đại chiếm tỉ trọng nhỏ. Việc đầu tư cho hạ tầng thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, nhiều cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin và TMĐT vào kinh doanh...
Để khắc phục khó khăn, đạt được mục tiêu của tỉnh là đưa thương mại - dịch vụ trở thành “cầu nối” vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu đến 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng bình quân 11,5-12%/năm. Trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... chiếm khoảng 30-35%.
Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới Sở Công thương tiếp tục tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển.
Một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tiếp cận và áp dụng các phần mềm, tiện ích như: Truy xuất nguồn hàng, QR Code, thanh toán không dùng tiền mặt... để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững.
Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Công Thương về phát triển thương mại, dịch vụ và cụm công nghiệp (CCN), ông Nguyễn Quang Hưng – PCT Thường trực tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo: Để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Sở Công Thương cần bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xác định rõ tầm nhìn, triết lý phát triển, có giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu tốc độ phát triển thương mại, dịch vụ giai đoạn 2025 – 2030 đạt 22%/năm.
Sở Công Thương cần làm việc với các doanh nghiệp trong tỉnh và các tỉnh, thành phố để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ, chuỗi cung ứng hàng hóa. Nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại, dịch vụ, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyến thống với thương mại hiện đại, phát triển thương mại điện tử. Thực hiện tốt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với đẩy mạnh xuất khẩu, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tận dụng các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường xuất khẩu; phát triển đầy đủ các ngành dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Thái - PGĐ Công ty Thái Việt: Để Phát triển TMDV xứng với tiềm năng, các doanh nghiệp trong tỉnh cần xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, thông qua ứng dụng thương mại điện tử. Khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong hoạt động xúc tiến thương mại và thương mại điện tử. Góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân dân trong tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm