Chính trị - Xã hội

Phiên họp thứ 36 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 03 Dự án Luật

Gia Nguyễn 19/08/2024 10:55

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn trong phát biểu khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 19/8.

Sáng 19/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 36.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn cho biết, căn cứ Chương trình công tác năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thường kỳ thứ 36. Thời gian họp dự kiến trong 04 ngày (từ 19-22/8/2024), trong đó dành 1,5 ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn và xem xét 12 nội dung quan trọng.

phien-hop-thu-36-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-19.8.2.1.jpg
Sáng 19/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 36 - Ảnh: QH

Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 03 dự án luật: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Phòng không nhân dân trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 vừa qua. Sau đó, các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn chỉnh, trình Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho ý kiến (ngày 27 đến 29/8), gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung 02 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng bệnh.

phien-hop-thu-36-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-19.8.2.2.jpg
Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: QH

Nhấn mạnh khối lượng các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 và thứ 9 đã rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay từ bước này, cần xem xét kỹ sự cần thiết của dự án, tính toán việc bổ sung vào thời điểm phù hợp, để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa bảo đảm tính khả thi của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tránh việc đưa vào rồi đến thời điểm gửi hồ sơ lại chậm, hoãn.

“Với những Dự án Luật đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị các cơ quan soạn thảo phải chuẩn bị rất kỹ; cơ quan thẩm tra thẩm tra đúng quy trình, đúng quy định. Những vấn đề nào đã chín, đã rõ thì đưa vào Luật, còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu. Không phải vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày (cả ngày 21/8 và sáng ngày 22/8/2024) tiến hành hoạt động chất vấn, qua đó, sẽ đánh giá toàn diện, tổng thể về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 liên quan đến 9 lĩnh vực… đồng thời cho ý kiến về việc tổ chức Diễn đàn Quốc hội về hoạt động giám sát.

“Đây là một sáng kiến mới, lần đầu tiên được tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh những nội dung đã nêu, theo Chủ tịch Quốc hội, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua nghị quyết để xử lý chung một số vấn đề phát sinh trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính. Đối với việc sắp xếp cụ thể của các địa phương, khi Chính phủ gửi hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí thời gian để xem xét một cách tập trung, mỗi lần bố trí xem xét việc sắp xếp của 10 đến 20 địa phương, tránh phân tán, rải rác quá nhiều lần.

Với khối lượng công việc lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan báo cáo ngắn gọn - rõ, đúng thời gian cho phép; các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phát biểu đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau; bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp. Đây cũng là một bước chuẩn bị “từ sớm, từ xa” để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cho Kỳ họp thứ 8.

Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đảm bảo tiến độ chuẩn bị các Dự án Luật theo đúng yêu cầu, tránh việc đăng ký vào chương trình nhưng lại không chuẩn bị kịp, dẫn tới phải điều chỉnh chương trình phiên họp, ảnh hưởng tới các nội dung khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phiên họp thứ 36 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về 03 Dự án Luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO