Xuất khẩu nông sản Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nên rất cần sự phối hợp đa ngành để hỗ trợ doanh nghiệp.
>> Ứng dụng công nghệ và đổi mới để tăng cường năng lực xuất khẩu nông sản Việt
DĐDN đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với bà Hoàng Lê Trang, Quản lý Dự án “Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNNVV trong ngành hàng gia vị, rau, quả Việt Nam” (SFV-Export) do Oxfam tại Việt Nam cùng VCCI phối hợp thực hiện.
- Bà đánh giá ra sao về tiến trình ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay? Điều đó sẽ tác động như thế nào tới hoạt động kinh doanh của họ?
Ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông sản Việt Nam là một xu hướng tất yếu và cũng là yêu cầu bắt buộc để mặt hàng nông sản Việt Nam có thể tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Thế nhưng, điều này đòi hỏi khá nhiều các nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được.
Qua quan sát của chúng tôi, các doanh nghiệp thực sự thành công trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là những doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn, có kinh nghiệm trên thị trường, có đủ nguồn lực về con người và tài chính. Những doanh nghiệp đó là bằng chứng cho việc một khi đã ứng dụng đổi mới sáng tạo và công nghệ trong chế biến nông sản thì họ sẽ có được những thành quả về mặt kinh doanh và hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, từ góc độ của dự án thì số lượng những doanh nghiệp đạt tới quy mô và tầm vóc phát triển đó trong lĩnh vực nông sản lại tương đối hạn chế. Đa số các doanh nghiệp trong ngành ở quy mô nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ, thì dự án của chúng tôi đang tập trung vào hỗ trợ họ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn nữa.
Theo tôi, một khi đã áp dụng được các công nghệ vào trong quy trình chế biến nông sản thì sản phẩm của doanh nghiệp đảm bảo được chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây chính là những yếu tố mà các thị trường lớn như EU hay Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Điều này không chỉ liên quan tới sự chấp nhận của thị trường, mà còn giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Như đánh giá từ Bộ NN&PTNN hay Bộ Công thương, xu hướng cũng như định hướng của Việt Nam là xuất khẩu nông sản giá trị cao. Điều đó sẽ phải thể hiện qua chất lượng và việc chuẩn hóa cho các tiêu chuẩn của sản phẩm.
- Theo bà, doanh nghiệp nông sản Việt đang đối mặt với những khó khăn và thách thức nào trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo?
Trong ngành nông nghiệp, ước tính có khoảng gần 5.000 đơn vị tham gia vào trong quá trình chế biến nông sản. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp ở quy mô trung bình và lớn thì không nhiều, đa số vẫn là quy mô nhỏ và vừa. Theo tôi, họ đang phải đối mặt với một số các thách thức chính.
Thứ nhất là thách thức về mặt thông tin. Mặc dù chúng ta có rất nhiều thông tin để mang đến cho các doanh nghiệp, từ các yêu cầu của thị trường cho tới các yêu cầu về kỹ thuật sản xuất, nhưng các doanh nghiệp nhỏ thường phản hồi rằng họ vẫn không biết tìm các thông tin này ở đâu. Hoặc là do thông tin quá nhiều, khiến họ không biết đâu là nguồn thông tin chính thống, hoặc họ cũng thiếu các nguồn đào tạo một cách thống nhất về kiến thức trong toàn bộ chuỗi sản xuất.
>> Để xuất khẩu nông sản "về đích"
Thứ hai, tôi muốn nói tới nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài chính. Thiếu hụt nhân lực hiện là điểm hạn chế của toàn bộ ngành nông lâm sản Việt Nam, không riêng gì trong các doanh nghiệp nhỏ lĩnh vực chế biến nông sản.
Về tài chính thì chúng ta đã biết, các doanh nghiệp vẫn còn quá nhiều thứ để ưu tiên trước mắt nhằm duy trì sự tồn tại, thay vì đầu tư vào công nghệ hay đổi mới sáng tạo. Do đó, nếu như yêu cầu họ dành những khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được thị trường quốc tế công nhận thì đó thật sự là rất khó khăn.
Ngoài ra, một hạn chế khác liên quan tới các kênh để tiếp cận với khách hàng ngoài nước, hoặc mở rộng cơ hội thị trường ra bên ngoài, thì các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa nắm bắt được.
- Theo Bà, cần những hỗ trợ như thế nào để giải quyết những vướng mắc đó nhằm tăng cường năng lực xuất khẩu nông sản cho nhiều doanh nghiệp hơn nữa?
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn nói trên, sẽ cần tới một sự phối hợp đa ngành, và đó cũng là cách mà Oxfam đang theo đuổi trong dự án SFV-Export.
Chúng tôi muốn thúc đẩy một mô hình hỗ trợ có nhiều bên bao gồm cả các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chuyên môn, các nhà tư vấn về tiêu chuẩn, các hiệp hội doanh nghiệp như VCCI, EuroCham hay các hiệp hội ngành hàng.
Trong mô hình hợp tác đó, mỗi bên có thế mạnh về lĩnh vực nào sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đó. Ví dụ với Nhà nước, chúng ta có công nghệ, có kỹ thuật, có tài chính. Với các tổ chức tư vấn, chúng ta sẽ nhận được những kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng, quy trình công nghệ. Trong khi với các hiệp hội thì đó sẽ là các cơ hội kinh doanh.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Ngành nông nghiệp tự tin về mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2023
17:00, 02/08/2023
Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Phát triển doanh nghiệp “đầu tàu”
11:13, 04/06/2023
Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Củng cố, duy trì chờ… bứt phá
03:30, 14/05/2023
“Soán ngôi” Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam
04:45, 01/03/2023