Dù khung khổ pháp lý về đầu tư dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã cơ bản hoàn thiện, nhưng vẫn chưa thể khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
>>Đầu tư cao tốc, hạ tầng theo phương thức PPP… “liệu có khả thi”?
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TP HCM. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có quy mô 76,3 km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h, gồm 8 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.370 tỷ đồng. Đây là một trong 2 công trình xây dựng đường vành đai đô thị lớn nhất Việt Nam vừa được cấp có thẩm quyền chọn đưa vào danh mục các dự án được ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công để có thể hoàn thành dứt điểm trong 3-4 năm tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tính "hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công" vì ngoài hai dự án nói trên, tại kỳ họp thứ ba Chính phủ sẽ trình ba dự án cao tốc khác. Nếu dồn hết vốn vào đây, nhiều địa phương, nhiều dự án sẽ không còn vốn để thực hiện. Theo dự kiến chương trình, dự án đường Vành đai 3 TP HCM sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, khai mạc vào cuối tháng 5/2022.
Băn khoăn về tính "hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công" của Chủ tịch Quốc hội là có cơ sở, bởi cách đây không lâu, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Chính phủ chấp thuận nội dung báo cáo để trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư trên 84,46 nghìn tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. Trước đó, toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 cũng đã được chuyển sang đầu tư công thay vì lựa chọn một số dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Trở lại với dự án Vành đai 3 TP HCM, trước khi có đề xuất chuyển sang đầu tư công, 4 kịch bản đầu tư dự án theo hình PPP đã được tính tới gồm: Đầu tư PPP toàn tuyến bao gồm GPMB, đường song hành, hỗ trợ Nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư theo Luật PPP; Đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, hỗ trợ Nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư.
Hai kịch bản tiếp theo là: Đầu tư PPP phần đường cao tốc và đường song hành, không bao gồm GPMB, hỗ trợ Nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư và đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, thời gian hoàn vốn 29 năm.
Thế nhưng, sau quá trình phân tích tài chính, các kịch bản này tiếp tục đi vào “ngõ cụt” khi phương án 3 và 4 có thời gian hoàn vốn quá dài (29 - 37 năm), các ngân hàng khó có thể cho vay vốn.
>>Đề xuất sửa nhiều luật để “gỡ vướng” cho… dự án PPP
Hai kịch bản đầu chỉ đảm bảo tính khả thi trong trường hợp vốn hỗ trợ dự án của Nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư, không phù hợp với quy định của Luật PPP.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu TP.HCM) cho rằng: Trước hết phải rà soát, xác định lý do vì sao các dự án PPP không được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng, mặc dù hiện nay các doanh nghiệp vẫn còn nhiều vốn nhàn rỗi.
Theo ông Nghĩa, hiện nay việc tổ chức thực hiện các dự án PPP và bảo vệ nhà đầu tư tư nhân chưa tốt. Phương thức đầu tư PPP là phương thức rất tiến bộ, vì không có quốc gia nào đủ vốn để đầu tư công 100% các dự án. Khi tư nhân tham gia vào các dự án sẽ có sự quản lý tốt hơn. Đề nghị Chính phủ nên nhìn nhận vấn đề chứ không thể dự án nào không kêu gọi được PPP thì chuyển qua đầu tư công.
Tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng và VCCI phối hợp tổ chức, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FECON đã kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đối với các dự án PPP trọng điểm như: Hình thành gói tín dụng ưu đãi phù hợp để cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đường bộ cao tốc hoặc phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của chính phủ để huy động vốn cho dự án; Lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện một số dự án quan trọng, trong đó, có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, năng lực.
“Chính phủ cũng cần ban hành cơ chế chia sẻ rủi ro khả thi, đảm bảo nhà đầu tư tư nhân và nhà nước cùng nhận được hiệu quả đầu tư hoặc rủi ro tương ứng tỷ lệ tham gia; xem xét sửa đổi nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho các mục đích như hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP...”- ông Khoa chia sẻ.
Nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng; nhu cầu vốn để thực hiện các dự án cao tốc giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 395.670 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước 209.164 tỷ đồng, huy động ngoài ngân sách 186.506 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu trên, điều kiện tiên quyết là phải hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh hợp tác công - tư nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội.
Có thể bạn quan tâm
Cần sớm hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư PPP vào y tế
00:06, 20/05/2022
Đầu tư cao tốc, hạ tầng theo phương thức PPP… “liệu có khả thi”?
03:00, 06/05/2022
Tìm cách thúc đẩy các dự án PPP tại Việt Nam
14:36, 21/04/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Dừng đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức PPP
20:14, 14/04/2022