Một số quốc gia ASEAN chưa hoàn toàn sẵn sàng để đáp ứng đòi hỏi đầy tham vọng của Washington vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
>>Quan hệ ASEAN- Mỹ (Kỳ I): "Nhất tiễn trúng song điêu"
Quan hệ Mỹ - ASEAN sẽ trở nên quan trọng trong nửa đầu thế kỷ 21, mang tính quyết định đến sự thành bại của chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Nhà trắng.
Nhưng khối ASEAN chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm trong quan hệ với Mỹ. Cuối năm ngoái, Cơ quan Hàng hải Indonesia lên ý tưởng mời một số quốc gia trong khu vực thảo luận về những biện pháp ứng phó Trung Quốc trên Biển Đông. Thế nhưng, hội nghị này - vì lý do nào đó không thể diễn ra!
Dù Philippines là đối tác quân sự truyền thống nhất của Mỹ tại khu vực, nhưng Chính quyền ông Duterte không kìm chế được trước sức hấp dẫn của Trung Quốc. Sau thắng kiện vụ bãi cạn Scarborough, ông Tập đến thăm chính thức ở Philippines, thực hiện hàng loạt hứa hẹn đầu tư, vậy là Manila không hề đòi hỏi “thi hành án”!
Nguyên thủ Philippines không đến Washington dự Hội nghị thượng đỉnh, do nước này mới bầu cử Tổng thống, ông Duterte không muốn cam kết bất cứ điều gì gây ràng buộc cho người kế nhiệm. Điều đó cho thấy, tính bất định chính sách ngoại giao của nước này.
Trong khi đó, sau cuộc đảo chính bà Aung San Suu Kyi ở Myanmar, phương Tây không thừa nhận “chính quyền quân sự” Naypidaw. Họ cũng không thể tham gia Hội nghị Thượng đỉnh tại Mỹ.
Quan hệ giữa Mỹ và Campuchia không ở trạng thái tốt nhất, Washington cấm xuất khẩu vũ khí và hạn chế bán các sản phẩm lưỡng dụng dân quân sự cho Phnompenh vì lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở nước này.
Hồ sơ cấm vận nêu lý do: “Campuchia tiếp tục cho phép Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự và xây dựng các cơ sở chuyên dùng trên vịnh Thái Lan”. Thực sự, Mỹ khó chen chân vào mối quan hệ rất thân thiết giữa ông Hun Sen với ông Tập Cận Bình.
Còn một số quốc gia Đông Nam Á khác chưa cảm thấy áp lực trỗi dậy mạnh mẽ khỏi Trung Quốc như Brunei, Singapore, Timo Leste không bị “đường lưỡi bò” chèn lên lãnh thổ.
Việt Nam, một trong những quốc gia bị đe dọa chủ quyền biển đảo nghiêm trọng nhất khu vực, đang dựa vào triết lý “ngoại giao cây tre” và chính sách quốc phòng “3 không”, cũng là một khác biệt ở Đông Nam Á. Điều này cũng dễ hiểu, vì bối cảnh Việt Nam không giống các nước khác.
Về phần Mỹ, họ bị chậm chân ở Đông Nam Á, lại không là thành viên của CPTPP. Có thể nói, cấu trúc kinh tế của Mỹ ở khu vực chưa đủ mạnh; không có gì ràng buộc cụ thể ngoài rất nhiều cam kết lý thuyết.
Những chính sách chưa thực sự phù hợp qua nhiều đời Tổng thống Mỹ chưa được sửa đổi kịp thời. Ông B. Obama tuy khơi dậy khái niệm “xoay trục châu Á” nhưng không đánh giá đúng về sức mạnh Trung Quốc.
Trong khi ông D. Trump kịch liệt chống Trung Quốc nhưng theo con đường “nước Mỹ trên hết” khiến đồng minh rệu rã, các nước nhỏ lo lắng về sự an nguy thương mại, kinh tế.
Ông Joe Biden đảo ngược chính sách Trump, thiết lập lại hệ thống, nhưng vấp phải đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế, lạm phát. Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến nhiều bước vững chắc trong quan hệ với ASEAN, một trong số đó là Hiệp định Thương mại tự do (RCEP).
Trung Quốc có thể mang lại nỗi bất an cho khu vực, nhưng một số quốc gia dường như đã thích nghi. Để “gió đổi chiều” ngả theo phương Tây là việc không hề dễ dàng.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kỳ vọng Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hoa Kỳ lần này sẽ hóa giải các thách thức nói trên để góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN- Hoa Kỳ trong bối cảnh mới.
Còn tiếp…
Có thể bạn quan tâm