Tại bàn đàm phán Alaska, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục "đồng sàng dị mộng" trong tất cả các vấn đề!
Trái với kỳ vọng, quan hệ Trung - Mỹ có chiều hướng xấu thêm dưới thời kỳ mà đảng Dân chủ nắm quyền tại Mỹ. Các nguyên nhân gây ra hậu quả này không còn gói gọn trong một vài xung đột cụ thể như thương mại, công nghệ, sức mạnh “mềm”.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đủ khôn ngoan để hiểu rằng, chẳng cần dại dột lao đầu vào nhau như hai hổ một rừng. Nói cách khác, động lực chính thúc đẩy thêm xung đột này đến từ bên ngoài.
Ông Dương Khiết Trì và ông Vương Nghị đến Alaska hôm 17/3 và phát biểu rất nhiều, là để truyền tải thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình: “Trung Quốc là một cường quốc”.
Thế nên, phái đoàn Trung Quốc chỉ trích gay gắt thái độ “kẻ cả”, “bề trên” của Mỹ, người Trung Quốc không chấp nhận bị Mỹ đối xử bằng thái độ của một cường quốc!
Ông Tập đang tìm cách cài đặt lại mối quan hệ với phương Tây - đó là mối quan hệ ngang hàng, đối tác chủ chứ không phải đối thủ bị động. Như vậy, Trung Quốc bắt đầu lột bỏ “chiếc kén” quốc gia đang phát triển - cái mà họ từng đấu tranh không khoan nhượng tại WTO để được hưởng lợi về thương mại.
Đây là biểu hiện cho thấy chính sách ngoại giao của Bắc Kinh đã chuyển hướng, từ giấu mình chờ thời sang thị uy sức mạnh. Tâm lý tự tin dâng cao trong nội bộ giới cầm quyền Trung Quốc sau khi họ đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội bất chấp dịch bệnh COVID-19.
Đã đến lúc Trung Quốc nhận thấy không thể bang giao mới Mỹ và đồng minh với tâm thế “cửa dưới”. Nếu như lần này “nâng cấp” thành công quan hệ với Mỹ, Bắc Kinh sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Với công chúng trong nước, lãnh đạo Trung Quốc chịu áp lực phải thể hiện mình là nước lớn, có vai trò quan trọng. Điều mà truyền thông nước này đã dày công xây dựng.
Với Mỹ thì sao? Tâm lý, phương pháp tiếp cận với Trung Quốc vẫn không thay đổi, Nhà trắng vẫn giữ nguyên các giá trị vốn có đã được thiết lập hàng chục năm nay - coi Trung Quốc là mối nguy hại.
Washington vẫn tự cho mình cái quyền can thiệp vào bất cứ chuyện gì, bất cứ ở đâu nếu họ muốn! Ngoại trưởng Blinken nói thẳng thừng: “Chúng tôi sễ thảo luận về những mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi với các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ…”.
Hàng thế kỷ nay, can dự là chính sách ngoại giao vững bền nhất của Mỹ. Bởi vì thông qua đó người Mỹ thể hiện vị thế, vai trò lãnh đạo, phát ra tiếng nói quyết định trong tất thảy mọi vấn đề mà họ cho rằng “có liên quan đến lợi ích Mỹ”.
Bằng cách thức kiềm chế Trung Quốc thông qua mạng lưới đồng minh, ông Joe Biden càng phải thể hiện hình ảnh cường quốc để trấn an đồng minh. Điều này dẫn tới kết quả, Washington phải coi việc “bảo vệ” đồng minh là nhiệm vụ không thể không thực hiện!
Ở Mỹ cũng vậy, ông Joe Biden không thể không chống Trung Quốc! Sức ảnh hưởng của đảng Cộng hòa vẫn còn rất lớn, tâm lý người dân Mỹ đa phần xem kết quả việc đối đầu với Trung Quốc là thước đo thất bại hay thành công của nội các mới.
Thực chất cuộc gặp gỡ ở Alaska không phải là bàn đàm phán có tính chất kỹ thuật, hai bên không tập trung tháo gỡ bất cứ khúc mắc nào liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ. Họ dường như muốn xả hết uất ức đã dồn nén lâu nay.
Nhưng cái hay ở chỗ, lần đầu tiên màn tranh luận nảy lửa được công khai, qua đó bản chất thật sự của mối quan hệ Trung - Mỹ đã lộ rõ. Chắc chắn một điều, bên nào nhiều đồng minh hơn thì bên đó nắm lợi thế.
Có thể bạn quan tâm
Hậu bầu cử Mỹ: Liệu mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ có sự thay đổi?
05:04, 01/12/2020
Điểm sáng bất ngờ trong quan hệ Mỹ - Trung
07:12, 30/10/2019
“Bức màn sắt công nghệ", mối đe dọa mới quan hệ Mỹ - Trung [Bài 2]
06:33, 24/06/2019
“Bức màn sắt công nghệ", mối đe dọa mới quan hệ Mỹ - Trung [Bài 1]
07:20, 21/06/2019
Mối quan hệ Mỹ - Trung: Quá quan trọng để bỏ qua
13:00, 12/01/2019