Trước triển vọng thượng đỉnh NATO không thể đưa ra một lộ trình gia nhập cho Ukraine, Tổng thống Zelensky đã chỉ trích dữ dội phương Tây - một động thái có thể khiến mối quan hệ "nổi sóng".
Triển vọng gia nhập khối NATO của Ukraine đang trở nên mờ mịt khi một loạt các nước lớn do dự trước việc cung cấp cho Kiev một lộ trình cụ thể để gia nhập liên minh quân sự. Thế nhưng, thay vì bình tĩnh tìm hướng giải quyết vấn đề, phản ứng của Tổng thống Zelensky mới đây tiềm ẩn nguy cơ gây “nổi sóng” cho mối quan hệ này.
>>Hai "ngã rẽ" cho Kiev hậu chiến sự Nga - Ukraine
Hôm 11/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã mạnh mẽ chỉ trích các nhà đàm phán NATO vì đã chùn bước trong việc cung cấp cho Kiev một con đường cụ thể để gia nhập khối.
Trong dự thảo được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh liên minh đang diễn ra tại Litva, các đồng minh hiện đang xem xét tuyên bố rằng “NATO có thể gửi lời mời tới Ukraine khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”, theo một nguồn tin mà Politico tiếp cận được.
Mặc dù ngôn ngữ dự thảo chưa được thống nhất, lãnh đạo Ukraine đã nổi giận. Ông Zelenskyy đã đăng lên Twitter: ”Thật chưa có tiền lệ và vô lý khi không có khung thời gian nào được thiết lập cho lời mời hoặc tư cách thành viên của Ukraine. Đồng thời, từ ngữ mơ hồ về 'các điều kiện' cũng được thêm vào”.
Thái độ và ngôn ngữ của Tổng thống Zelensky có thể khiến quan hệ gắn kết giữa Kiev và NATO bị lung lay. Theo các chuyên gia, dòng tweet của lãnh đạo Kiev đã khiến nhiều lãnh đạo châu Âu không hài lòng, dù họ thông cảm với tình cảnh của Kiev. Một nhà ngoại giao cấp cao từ Trung Âu cho biết, Zelenskyy “đang đi quá xa”.
Thời gian gần đây, ông Zelensky đã tiến hành một loạt chuyến công du khắp nơi nhằm vận động các nước đề ra một khung thời gian hoặc ít nhất là một lộ trình để Ukraine gia nhập khối vào hội nghị thượng đỉnh NATO. Thế nhưng cho đến nay, tham vọng của Kiev vẫn không thành hiện thực – là điều đã khiến Zelensky thất vọng.
Mặc dù mong muốn gia nhập NATO của Kiev sau khi chiến sự Nga- Ukraine kết thúc đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa các thành viên NATO, nhưng triển vọng đó đã vấp phải sự phản đối từ Đức và Hoa Kỳ. Hai cường quốc tuyên bố ưu tiên hàng đầu hiện nay là giải quyết các nhu cầu trước mắt của Kiev trong cuộc chiến với Nga.
“Tôi không nghĩ rằng có sự nhất trí trong NATO về việc có nên đưa Ukraine vào gia đình NATO hay không vào thời điểm này” Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với CNN cuối tuần trước. Trước đó, một quan chức cấp cao của Đức cho biết hội nghị thượng đỉnh này “chưa phải là thời điểm thích hợp để mời Ukraine vào các bước cụ thể hướng tới tư cách thành viên NATO. Không có sự đồng thuận về điều này giữa các đồng minh”.
Vấn đề này có thể hiểu được khi hai trụ cột liên minh cần phải phòng ngừa khả năng leo thang căng thẳng với Nga. Nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn còn đó, đồng thời áp lực chính trị trong nước đang ngày một đè nặng lên chính quyền Berlin và Washington.
Mặc dù thông cảm cho cảm xúc của nhà lãnh đạo Ukraine, các cường quốc phương Tây có lẽ sẽ muốn Kiev “hiểu chuyện” hơn. Đức và Hoa Kỳ đã là những nhà đóng góp hàng đầu cho Kiev trong hơn 1 năm chiến sự Nga- Ukraine, không chỉ về khí tài mà còn cả về chính trị thông qua các đòn trừng phạt Nga.
Điều quan trọng hơn, phản ứng này có nguy cơ khiến Ukraine càng đào sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ chính trường Mỹ. Bấy lâu nay, chưa bao giờ Kiev nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của các chính trị gia lưỡng đảng, kể cả vào thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” nhất. Vấn đề Ukraine phát sinh đã khiến chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ bị phân tán nặng nề, chưa kể đến nguồn lực khổng lồ mà Washington phải chi ra để viện trợ cho an ninh châu Âu.
Trên thực tế, Kiev cũng đã nhận được sự hậu thuẫn gần như tuyệt đối từ NATO, với vũ khí, đạn dược, cho tới xe tăng Leopard và trong tương lai là máy bay F-16. Trước cuộc phản công lớn, nhiều mối nghi ngờ về năng lực của Ukraine đã tồn tại trong giới chức Mỹ và châu Âu. Kiev đã kỳ vọng có thể dập tan những nghi ngại đó bằng một chiến thắng trong cuộc phản công.
Thế nhưng cho tới nay, vẫn chưa có nhiều thành tích từ chiến trường đủ để đảo ngược suy nghĩ đó. Đặc biệt là tiến độ phản công chậm chạp trong khi nguồn lực ngày càng cạn kiệt, bất kể Nga vừa trải qua cuộc binh biến gây chia rẽ lớn.
>>Hậu binh biến của Wagner, Nga mất dần ảnh hưởng tại Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo các chuyên gia, trường hợp của Thụy Điển có thể là bài học lớn mà Ukraine nên nhìn vào. Là một quốc gia phát triển với nền quốc phòng vững mạnh, nhưng tiến trình gia nhập của Stockholm cũng đầy gập ghềnh bởi những khúc mắc chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
"Với Ukraine, lộ trình này được dự báo sẽ còn chông gai hơn rất nhiều với bóng dáng của Nga. Kiev cần hiểu rằng sẽ không có một “tấm vé” ưu tiên nào để gia nhập liên minh. Và trong hoàn cảnh đó, Tổng thống Zelensky cần tìm cách hóa giải từng thách thức thay vì lên truyền thông chỉ trích phương Tây", một chuyên gia quân sự nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm