Quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu: Nên quy về một mối

Bài và ảnh: DIỄM NGỌC 09/11/2022 05:22

Các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm, chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành.

>>Cây xăng đóng cửa, hệ luỵ đổ lên người tiêu dùng

Đi từ gốc vấn đề

Sau chỉ đạo của Bộ Công Thương về kiểm tra các cây xăng đóng cửa và bán nhỏ giọt, nhiều cây xăng lớn ở các quận Hà Nội vẫn tiếp diễn tình trạng ngừng bán, khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. 

Theo ghi nhận của PV, người dân phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt đổ xăng, gây tốn thời gian, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và nhiều thứ khác

Theo ghi nhận của PV, người dân phải xếp hàng rất lâu mới đến lượt đổ xăng, gây tốn thời gian, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt và nhiều thứ khác

Một số chuyên gia cho rằng, bán lẻ xăng dầu là một dịch vụ công và tính liên tục của dịch vụ này là một nguyên tắc bắt buộc, ràng buộc cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương, nhưng qua cơn “khát” xăng dầu những ngày vừa qua cho thấy, không có gì ràng buộc những nguyên tắc này... Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá, lập luận kinh doanh xăng dầu, nhất là vấn đề bán lẻ là một dịch vụ công là chưa phù hợp về bản chất của kinh doanh xăng dầu, cũng như cách hiểu về bản chất của dịch vụ công.

TS Vũ Đình Ánh phân tích, kinh doanh xăng dầu ở Việt Nam hiện nay là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tất cả các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều phải có điều kiện và các điều kiện đó phải được tuân thủ. Trong đó, điều kiện quan trọng nhất liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng là phải luôn luôn có đủ nguồn cung, không để xảy ra đứt gãy trong toàn bộ chuỗi cung ứng xăng dầu, từ việc nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước, đến việc thông qua các thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ cuối cùng.

Do đây là nguyên tắc kinh doanh có điều kiện và việc hoạt động phải liên tục, nếu có hiện tượng đóng cửa thì chỉ trong thời gian ngắn, có lý do chính đáng và không để tình trạng găm hàng khiến đứt đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng, đến người tiêu dùng.

“Vừa qua, hàng loạt các nguyên nhân Bộ Công Thương nêu ra về việc các cửa hàng xăng dầu đóng cửa là phù hợp, thậm chí tại TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, xe bồn chở xăng không được hoạt động trong giờ hành chính, nên khi một cây xăng hết xăng thì không được có xe bồn tiếp tế.

Tuy nhiên, đó chỉ là những nguyên nhân bộc phát, không mang tính căn bản, gốc rễ. Cái căn bản hiện nay là thị trường xăng dầu, kể cả với những người tham gia trên thị trường chưa thực sự vận động theo nguyên tắc thị trường.

Tiếp đó là thị trường của chúng ta cần phải thiết lập lại, khi tính chất về kinh doanh xăng dầu trước đây phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, còn nay đã cơ bản sản xuất được trong nước, cộng với việc chúng ta có quá nhiều đầu mối doanh nghiệp, phân phối. Mặt khác, cách thức tính chi phí giá cơ sở, giá bán lẻ cuối cùng chưa được  tính đúng tính đủ để kịp thời phản ứng linh hoạt với sự vận động của thị trường”, TS. Vũ Đình Ánh lý giải.

>>“Lỗ hổng” quản lý kinh doanh xăng dầu

Tập trung về một mối

Hiện nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính là hai bộ ngành liên quan trực tiếp về kinh doanh xăng dầu. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta đã có những xung đột về lợi ích giữa các cơ quan quản lý, giữa các doanh nghiệp, đặc biệt xảy ra xung đột giữa các doanh nghiệp đầu mối với các thương nhân phân phối, hay giữa các thương nhân phân phối với cửa hàng bán lẻ cuối cùng. Điển hình nhất là câu chuyện chiết khấu âm, hay càng bán càng lỗ trong một số thời điểm nhất định. Vì vậy, việc ngồi lại bàn thảo với nhau, xử lý dứt điểm lẽ ra phải được làm sớm hơn, để tránh xảy ra những vấn đề như đang diễn ra.

Suốt thời gian qua, nguồn cung trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố, nhưng lại không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào

Suốt thời gian qua, nguồn cung trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố, nhưng lại không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào

“Theo tôi có hai vấn đề cần phải xử lý hiện nay đó là: Thứ nhất, cơ chế kinh doanh xăng dầu được giao cho Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính phối hợp với nhau, nhưng trong thời gian vừa qua đã có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và sự phối hợp chưa được đồng bộ kịp thời, dẫn đến hiện tượng bất ổn trên thị trường kinh doanh xăng dầu.

Thứ hai, do cơ chế phân công chức năng nhiệm vụ liên quan đến kinh doanh xăng dầu dường như có sự chồng chéo, cùng với phối hợp thiếu đồng bộ, nên thời gian tới cần có cơ chế tập trung về một đầu mối kinh doanh xăng dầu, kể cả vấn đề về cung xăng dầu, phân phối, giá xăng dầu... Riêng Bộ Tài chính chỉ nên thực hiện nhiệm vụ quản lý khoản thu ngân sách Nhà nước, thuế, phí đối với xăng dầu; còn toàn bộ hoạt động kinh doanh, xác định chi phí định mức, giá cơ sở và giá bán lẻ cuối cùng theo cơ chế hiện hành, nên giao lại cho Bộ Công Thương. Khi có sự phân công trách nhiệm rõ ràng, tránh chồng chéo thì chúng ta mới có một thị trường vận hành tốt hơn”, vị chuyên gia đề nghị.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có ý kiến sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công Thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhìn nhận, việc giao Bộ Công Thương quản lý sản xuất kinh doanh xăng dầu xong lại tách quản lý về cơ chế giá để Bộ Tài chính quản lý là không hợp lý, dẫn đến một số vướng mắc nảy sinh.

Do đó, đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý. Bởi Bộ Công Thương là bộ quản lý về hoạt động sản xuất kinh doanh, có trách nhiệm bảo đảm cân đối cung - cầu xăng dầu trên thị trường. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh xăng dầu sẽ giúp Bộ Công Thương nắm rõ về giá thế giới, giá trong nước cũng như các chi phí của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu. Để chuyển quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương, cần sớm sửa đổi Nghị định 95, giúp khơi thông được các đầu mối công việc.

Nhiều chuyên gia đều đồng tình với đề xuất trên. Suốt thời gian qua, nguồn cung trên thị trường có vấn đề, tình trạng thiếu xăng dầu diễn ra cục bộ ở các tỉnh, thành phố, nhưng lại không làm rõ được trách nhiệm thiếu xăng dầu là do bộ ngành nào. Vì vậy, việc chuyển quản lý xăng dầu về một đầu mối bộ, ngành sẽ tránh được sự chồng chéo, tạo sự chủ động hơn trong công tác điều hành.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Công Thương bị "nghi oan” về giá xăng dầu

    15:43, 08/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Cần tôn trọng cơ chế thị trường

    04:30, 08/11/2022

  • Khan hiếm xăng dầu: Cách nào giải quyết gốc rễ vấn đề?

    02:00, 08/11/2022

  • Doanh nghiệp xăng dầu than khó vì khan hiếm nguồn cung

    20:06, 07/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu: Nên quy về một mối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO