Mỗi cá nhân nên bắt đầu nắm bắt các số liệu tài chính của bản thân trước khi dự phóng một kế hoạch, hay tham gia trên thị trường tài chính, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ.
>>>Quản lý gia sản cá nhân: Tạo nền tảng dân trí tài chính
LTS: Phản ứng của nhiều khách hàng liên quan đến vụ việc nợ thẻ tín dụng thành nợ khủng gây xôn xao vừa qua chỉ là một “điển hình” trong nhiều trường hợp ứng xử thiếu hiểu biết về quản lý tài chính cá nhân.
Hiện nay, có nhiều người không theo dõi, quản lý tài chính của bản thân cụ thể bằng các con số; và thường xuyên đưa ra những quyết định tài chính sai lầm bắt nguồn từ hạn chế tầm nhìn bao quát về sức khỏe tài chính hiện tại.
Chúng tôi cho rằng, mỗi cá nhân nên bắt đầu nắm bắt các số liệu tài chính của bản thân trước khi dự phóng một kế hoạch, hay tham gia trên thị trường tài chính, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ. Thông qua dữ kiện dòng tiền (thu nhập - chi phí), dữ kiện tài sản và nợ, chúng ta có thể nhận biết rõ tình hình tài chính của mình để có cơ sở vững chắc khi ra quyết định tài chính trong tương lai.
Đối với việc phân loại tài sản, có ba dòng tiền tương ứng với các tài sản đó là:
Thứ nhất, dòng tiền thường xuyên tương ứng với những tài sản tiêu dùng như bất động sản để ở, phương tiện đi lại và tài sản tiêu dùng có giá trị lớn khác.
Thứ hai, dòng tiền kinh doanh sẽ có các tài sản kinh doanh như góp vốn cửa hàng, kinh doanh góp vốn doanh nghiệp và danh mục kinh doanh ngắn hạn.
Thứ ba, tài sản đầu tư bao gồm đầu tư tài chính như tiền gửi tiết kiệm, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, cổ phiếu,... Hay đầu tư bất động sản như đất nền, nhà phố, bất động sản nghỉ dưỡng...
Bên cạnh việc có các tài sản như đã nêu, thì còn có những khoản nợ để tạo ra tài sản đó. Riêng các loại thẻ tín dụng là phần cần lưu ý đặc biệt, vì nợ thẻ có lãi suất rất cao khi chúng ta tiêu dùng, mua các sản phẩm trong gia đình, trả góp, hoặc sử dụng một số dịch vụ y tế. Tiếp đó là các khoản thế chấp ngân hàng và các khoản nợ vay khác.
>>>Ngã ngũ vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank, chuyên gia lưu ý người dùng
Trong câu chuyện quản lý gia sản, cũng cần phân biệt giữa “giàu có” và “giàu nợ”, trong đó, có những người tài sản của họ không phải vay nợ nhưng ngược lại nhiều người có xu hướng vay nhiều, mua nhiều và luôn kỳ vọng dòng tiền trong tương lai có thể bù đắp lại.
Trường hợp “giàu nợ” sẽ đối mặt với rủi ro khi lãi suất tăng hoặc mất nguồn thu nhập ổn định. Vì vậy, việc xây dựng một bảng cân đối tài sản có vai trò vô cùng quan trọng, cho phép chúng ta xác định tài sản ròng và đưa ra các phương án tài chính phù hợp, cũng như phòng ngừa rủi ro.
Trong giai đoạn hiện tại, thị trường số hóa đã chứng kiến bước phát triển vượt bậc khi ngày càng nhiều người dân lựa chọn mở tài khoản trực tuyến và tham gia vào các hoạt động tài chính. Bên cạnh những tiện ích, không ít người vẫn gặp phải các rủi ro như thua lỗ hay mất tiền mà nguyên nhân chủ yếu là do “dân trí tài chính” còn hạn chế và thiếu sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tài chính chuyên nghiệp. Sự gia tăng số lượng người dùng gặp vấn đề này có thể làm suy giảm lòng tin của công chúng vào thị trường tài chính hiện nay.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường tài chính, chúng ta cần tập trung vào ba trụ cột gồm: nâng cao dân trí tài chính; xây dựng đội ngũ cố vấn tài chính độc lập; và nâng cao chuẩn mực của các sản phẩm tài chính.
Có thể bạn quan tâm