Quản trị doanh nghiệp kiểu Gen Z

HẢI VY 02/09/2023 02:39

Hãng mỹ phẩm The Body Shop vừa quyết định thành lập một hội đồng quản trị đặc biệt, với chỉ toàn Gen Z, không ai trên 30 tuổi để có thể nắm bắt tâm lý của những khách hàng ở độ tuổi 20.

>>Nhân sự gen Z chịu áp lực cạnh tranh lớn từ… công nghệ

Ông Chris Davis, thành viên Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc quốc tế về phát triển bền vững của The Body Shop, chia sẻ rằng nếu không có ai thuộc lớp trẻ Hội đồng Quản trị, thì làm cách nào họ có thể nắm bắt được tâm lý của giới trẻ, làm thế nào để vận hành kinh doanh hướng đến giới trẻ?

Và thế là The Body Shop đi đến quyết định thành lập một Hội đồng Quản trị phụ có tên Youth Collective (Hội đồng người trẻ được lựa chọn), tập hợp những cá nhân dưới 30 tuổi. Hội đồng này có nhiệm vụ cố vấn cho ban lãnh đạo về các chiến lược hướng tới giới trẻ.

Lần đầu thất bại

Năm 2021, The Body Shop tập hợp một nhóm Gen Z đam mê các vấn đề khí hậu để tiến hành phê bình công ty và cung cấp những hướng đi, những thông tin hữu ích từ góc nhìn của giới trẻ để công ty có thể trở thành một đơn vị phát triển vì môi trường.

Thế nhưng lần đó, mọi chuyện không suôn sẻ lắm. Ông Chris Davis cho biết những người trong nhóm đều có cái nhìn không mấy thiện cảm về thương mại. Thậm chí, có những người có suy nghĩ cực đoan, cho rằng mọi doanh nghiệp đều không tốt cho môi trường. Theo ông Davis, đây là thế giới cân bằng giữa lợi nhuận và nguyên tắc, vậy nên những ý kiến từ một hội đồng có xu hướng cực đoan như vậy là điều không phù hợp.

Lúc đó, The Body Shop nhận ra rằng, chiêu mộ những người trẻ có sự quan tâm, có trí thông minh, có tầm nhìn muốn tạo ra sự khác biệt cho thế giới là chưa đủ, mà những người đó còn phải có khát khao kinh doanh thành công, dĩ nhiên trên cơ sở phát triển bền vững.

Từ thất bại trong lần đầu tiên ấy, The Body Shop lần này thành lập một hội đồng Youth Collective. Công ty tự tìm kiếm và đánh giá trong lực lượng lao động của mình, rồi chọn ra 50% số thành viên của Youth Collective. Đây là những người quan tâm đến sự thành công của công ty, do đó ban lãnh đạo tin tưởng rằng phản hồi của họ sẽ theo hướng xây dựng, chứ không phải chỉ trích. 50% còn lại của Youth Collective được The Body Shop tuyển dụng trong nhóm những người dưới 30 tuổi từ các công ty B Corp bên ngoài.

Đến thời điểm này, Hội đồng Youth Collective đã giúp The Body Shop hiện đại hóa chiến lược truyền thông xã hội đến với hàng triệu người theo dõi, cũng như quảng bá được chương trình hòa nhập Open Hire của công ty.

Nguyên tắc vàng

Với những doanh nghiệp muốn áp dụng Youth Collective như The Body Shop đã làm, thì phải bảo đảm mọi người nắm được “luật chơi”. Nếu không có sự quản trị phù hợp, thì hội đồng quản trị trẻ sẽ chẳng khác nào một câu lạc bộ sau giờ làm việc, chứ không phải một ban cố vấn. Điều này vừa không giúp ích được gì cho chủ doanh nghiệp, vừa không công bằng với những người vẫn đang tình nguyện dành thời gian giúp doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Tệ hơn nữa, nếu không thể đưa ra phạm vi công việc hoặc các tiêu chuẩn nhất định cho Youth Collective, thì những người trẻ dễ bị rơi vào bẫy bóc lột sức lao động, vô hình trung sẽ trở thành một nhà tư vấn nội bộ miễn phí. Đó là lý do vì sao The Body Shop thường tránh đụng đến kiến thức chuyên môn với Youth Collective, chỉ trừ khi có vấn đề lớn mà đội ngũ lãnh đạo lớn tuổi không thể giải quyết được.

Một quy tắc cũng quan trọng không kém là phải minh bạch và xem trọng mọi góp ý từ ban cố vấn trẻ. Ban lãnh đạo công ty sẽ luôn lắng nghe, nhưng không phải lúc nào cũng thực thi những ý kiến đó. Và khi không thực thi, họ sẽ giải thích lý do cụ thể đối với ban cố vấn trẻ.

Hạ thấp cái tôi

Đưa những người trẻ dưới 30 tuổi vào hội đồng lãnh đạo không phải là xu hướng mà mọi công ty đều có thể làm theo. Điều quan trọng ở đây là liệu các nhà lãnh đạo có thể sẵn sàng hạ thấp cái tôi, lắng nghe ý kiến từ những người ít hơn mình vài chục năm kinh nghiệm hay không. Tức mấu chốt ở đây là vấn đề tư duy.

Và một biện pháp để khắc phục tình trạng này là tập hợp được một nhóm Youth Collective gồm những người muốn việc kinh doanh của công ty trở nên thành công. Khi ban lãnh đạo thấy rằng ai cũng đang góp ý để công ty phát triển, thì họ sẽ dễ dàng đón nhận những lời chỉ trích hơn.

Ở chiều ngược lại, khi biết lãnh đạo sẵn sàng đón nhận, Youth Collective cũng cảm thấy an toàn hơn và sẽ chia sẻ những cảm nhận chân thực. Nếu có thể thì doanh nghiệp mới có thể nắm bắt được tâm lý Gen Z đúng đắn và rõ ràng hơn. Chưa rõ hiệu quả của Hội đồng quản trị đặc biệt này sẽ thế nào khi cách làm này vẫn còn khá mới. Thời gian sẽ cho câu trả lời!

Có thể bạn quan tâm

  • Gen Z thích gì khi giao dịch ngân hàng số?

    Gen Z thích gì khi giao dịch ngân hàng số?

    04:25, 22/07/2023

  • Nhân sự gen Z chịu áp lực cạnh tranh lớn từ… công nghệ

    Nhân sự gen Z chịu áp lực cạnh tranh lớn từ… công nghệ

    04:00, 29/05/2023

  • VinFast Evo200 - xe tay ga dành cho Gen Z năng động, sống xanh

    VinFast Evo200 - xe tay ga dành cho Gen Z năng động, sống xanh

    17:47, 25/05/2023

  • Quản trị thành công Gen Z trong doanh nghiệp

    Quản trị thành công Gen Z trong doanh nghiệp

    04:00, 01/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quản trị doanh nghiệp kiểu Gen Z
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO