Để có nước sinh hoạt, hàng trăm hộ dân xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch) phải xây bể hứng nước mưa hoặc mua nước về dùng sinh hoạt bởi nguồn nước ở vùng này bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nghiêm trọng
Nhiều năm nay, người dân xã Quảng Thanh (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) thường xuyên sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt bởi nguồn nước tại địa phương này đã bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng, không thể sử dụng được. Để có nước sinh hoạt, người dân phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa, tuy nhiên đến mùa hè khô hạn nước mưa cạn đáy, người dân buộc phải mua nước sạch từ vùng khác về dùng với số tiền không nhỏ.
Chị Nguyễn Thị Lan (thôn Phù Ninh, xã Quảng Thanh) cho biết: “Gia đình sống gần lưu vực sông Gianh nhưng nguồn nước sông Gianh bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên không thể sử dụng được. Để có nước sinh hoạt chúng tôi phải xây bể hứng nước mưa hoặc mua nước của vùng khác”.
Theo chị Lan, ở vùng này, nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan đều bị nhiễm mặn, có mùi hôi phèn. Trước đây người dân phải sử dụng nguồn nước này để tắm rửa, giặt giũ nhưng xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, quần áo úa vàng. Người dân xây bể hứng nước mưa sử dụng vào ăn uống nhưng vào mùa hè khô hạn lượng nước mưa không đủ dùng, nhiều gia đình phải mua nước ở vùng khác với giá thành khá đắt đỏ.
Xã Quảng Thanh hiện có 1.224 hộ, với 4.806 nhân khẩu đều sống trong tình trạng “khát” nước sạch, trong đó hai thôn Tân An và Phù Ninh có nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng nhất. Đáng nói hơn, vùng này có làng nghề làm bánh, bún truyền thống nên nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch rất lớn.
Gia đình ông Nguyễn Văn Sương (thôn Tân An) làm nghề bánh đa nem nên mỗi ngày ông phải sử dụng từ 4 - 5 m3 nước sạch. Ông Sương than thở: “Năm nay thời tiết ít mưa hơn nên nguồn nước sạch không đủ dùng. Gia đình tôi là một trong những cơ sở làm bánh truyền thống lớn ở vùng này. Hầu hết nước sạch để sử dụng làm bánh đều phải mua. Cứ vài ngày tôi phải mua nước sạch ở vùng khác, mỗi xe nước được bán với giá 200 ngàn đồng. Tính ra trung bình mỗi tháng tôi phải tiêu tốn hơn 6 triệu đồng để mua nước sạch về dùng”.
Theo tìm hiểu, vào mùa hè nắng nóng, người dân phải mua nước sinh hoạt từ vùng khác với giá 40.000 đồng/m3. Bình quân 1 tháng người dân thôn Tân An phải bỏ ra khoảng gần 70 triệu đồng để mua nước sinh hoạt, chưa kể những hộ làm bún, bánh phải chi phí nhiều hơn. Trong khi thị xã Ba Đồn chỉ cách xã Quảng Thanh 4km được sử dụng nguồn nước sạch từ Rào Nan, đường ống đi sát xã Quảng Thanh nhưng những hộ dân ở địa phương này vẫn phải dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn để sinh hoạt.
Ông Ngô Thanh Bình – Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết: “Nhu cầu nước sạch ở địa phương là rất cấp thiết, lâu nay, người dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng. Các gia đình phải xây bể chưa nước mưa để sử dụng nhưng không đủ dùng, nhất là trong mùa hè nắng nóng, lượng nước mưa trong bể cạn kiệt người dân phải mua từ vùng khác. Đặc biệt, địa phương có làng nghề truyền thống làm bánh, bún từ lâu đời nên rất cần nguồn nước sạch phục vụ sản xuất”.
Cũng theo ông Bình, người dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư đưa nước sạch về cho bà con sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa có. “Chúng tôi rất mong các cấp quan tâm vấn đề nước sạch cho người dân xã Quảng Thanh, giúp người dân có nguồn nước sạch để sinh hoạt, sản xuất lưu giữ và phát triển làng nghề truyền thống”, ông Bình kiến nghị.
Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm