Trước tình trạng các mỏ cải tạo tận thu khai thác quá trữ lượng cho phép, thậm chí “núp bóng” để khai thác đá và quặng sắt, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường quản lý việc khai thác khoáng sản trên địa bàn
>>Nhức nhối nạn khai thác khoáng sản trái phép ở Nghệ An
Những năm gần đây, tại tỉnh Quảng Bình có hàng trăm mỏ đất “cải tạo tận thu” được cấp phép với trữ lượng lên đến hàng trăm nghìn khối/năm, trong khi đó chỉ có một số mỏ đất vật liệu xây dựng được cấp phép theo quy trình. Điều đáng nói, nhiều cá nhân, tổ chức đã “núp bóng” mỏ đất tận thu để tổ chức đã khai thác hàng trăm nghìn m3 đất và quặng sắt trái phép. Đơn cử như vụ việc lực lượng chức năng phát hiện vụ khai thác đất và quặng tại xã Hướng Hóa và xã Kim Hóa, (huyện Tuyên Hóa) vào cuối năm 2021 vừa qua.
Qua tìm hiểu, hầu hết những mỏ đất cải tạo tận thu này chỉ cấp phép có thời gian 12 tháng. Thủ tục cấp phép cũng đơn giản hơn nhiều so với cấp phép mỏ đất, không phải thực hiện quy trình đấu thầu như cấp mỏ đất. Các mỏ cải tạo đất này chỉ cần làm bản cam kết bảo vệ môi trường là có thể bán đất. Lợi dụng kẽ hở này nhiều cá nhân, tổ chức xin phép “cải tạo tận thu” rồi khai thác đất để thu lợi.
Để siết chặt quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều biện pháp như: tăng cường công thanh kiểm tra, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, giám sát công tác hoàn thổ sau khi dừng hoạt động, xem xét thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét đóng cửa mỏ, thu hồi Giấy phép hoạt động.
Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Quảng Bình, để xảy ra những vi phạm, trước hết là trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương do đã buông lỏng quản lý, thiếu sự giám sát. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, thậm chí sẽ thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng. Trước mắt, Sở đang hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương cơ sở để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn”, vị lãnh đạo này cho hay.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang triển khai nhiều dự án trọng điểm của quốc gia và của tỉnh, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai; dự báo trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng sẽ tăng cao. Để tránh tình trạng thiếu đất san lấp làm chậm tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, Sở TN&MT đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương, hoàn thành việc lập Bản đồ phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên trên địa bàn, quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, đã chủ động khoanh định lấy ý kiến đưa vào quy hoạch tỉnh 73 điểm mỏ đất san lấp với tổng diện tích sử dụng đất là 842,26ha; tổng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoảng 50,48 triệu m3.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 103 mỏ vật liệu xây dựng được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác còn hiệu lực, trong đó có 49 mỏ đá xây dựng, khai thác, 48 mỏ cát xây dựng và 6 mỏ đất san lấp. Ngoài ra, địa phương này còn có 30 mỏ đang làm thủ tục để được cấp giấy phép khai thác.
Có thể bạn quan tâm