Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Việc triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Quảng Nam) đến nay vẫn “án binh bất động”, khiến nhiều người dân bị “treo” quyền lợi.
>> Quảng Nam yêu cầu cấp “sổ đỏ” cho người dân dự án Nam Hội An
Theo Công văn số 8816/UBND-KTN, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất gia hạn thời gian hoàn thành các dự án Khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An gồm: Khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 2, Khu tái định cư Duy Hải giai đoạn 3 và Khu tái định cư Sơn Viên đến ngày 30/6/2023.
Tại báo cáo của xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (tổng mức đầu tư xấp xỉ 4 tỷ USD) được triển khai thực hiện từ năm 2010 với tổng diện tích GPMB của dự án là 985,5 ha (huyện Duy Xuyên là 786 ha - xã Duy Hải 552ha). Hiện tại, dự án đã thực hiện GPMB tại xã Duy Hải được 250ha, đạt 45,3% so với kế hoạch và còn lại 302ha.
Có 1.525 hộ thuộc diện giải tỏa để nhường đất cho dự án. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 380 hộ đã được giải tỏa nhà với tổng số lô tái định cư đã bố trí 1.055 lô, xã Duy Hải đã bố trí 979 lô tái định cư. Trong khi đó, có đến hàng trăm hộ dân đang sống trong cảnh tính mạng bị đe dọa khi nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng, ngập lụt mỗi khi mưa lớn,... Nhiều hộ dân đã có đơn xin được tái định cư sớm, tuy nhiên vì thiếu quỹ đất tái định cư nên sau nhiều năm đợi chờ vẫn chưa được đến nơi ở mới để an cư lập nghiệp.
Sống trong ngôi nhà có thể sập đổ bất cứ lúc nào, anh Nguyễn Dai (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải) đang từng ngày mong chờ nhận quyết định bố trí tái định cư. “Sau 3 năm viết đơn mong mỏi được di dời đến nơi ở mới, gia đình chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ các cấp thẩm quyền. Trong khi đó, tại khu vực có nhiều ngôi nhà còn rất kiên cố đã được di dời rất khó hiểu. Chưa kể đến, chủ đầu tư đang dự tính sẽ GPMB theo giai đoạn cần thiết, vậy thì không biết chúng tôi phải chịu cảnh khổ đến bao giờ”, anh Nguyễn Dai than thở.
>> Quảng Nam: Sống bất an trong vùng dự án tỷ đô
Sau cuộc họp với các địa phương vùng Đông vào đầu tháng 9/2022, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An tập trung nguồn lực, bố trí vốn để kịp thời thực hiện bồi thường cho các hộ dân đã được phê duyệt phương án GPMB ngay trong tháng. Đồng thời, doanh nghiệp phải tập trung giải quyết nhu cầu bức thiết, chính đáng của người dân, đặc biệt là các hộ dân trong vùng dự án có hiện trạng nhà ở xuống cấp cần thực hiện bồi thường ngay để tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, đối với Quy hoạch chung đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045, ông Thanh lưu ý địa phương rà soát đảm bảo các quỹ đất bố trí tái định cư cho người dân trong các khu đô thị cần gắn với địa bàn từng xã, thôn; hạn chế di dời đi xa, nhất là các hộ dân ven biển để đảm bảo sinh kế và phong tục tập quán cho người dân. Trong trường hợp cần thiết phải chỉnh trang thì tạo điều kiện cho người dân cải tạo sửa chữa nhà ở.
“Đối với các khu vực đã thông báo thu hồi đất cần tập trung hoàn thành công tác bồi thường, GPMB theo quy hoạch được duyệt để đảm bảo tiến độ; đối với khu vực chưa có chủ trương thu hồi đất, thực hiện trong giai đoạn sau 2025, UBND huyện Duy Xuyên phối hợp với Sở Xây dựng rà soát quy định pháp luật để xem xét, giải quyết nhu cầu sửa chữa, cải tạo nhà ở có thời hạn (không xây mới) nhằm đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng của người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên DĐDN, chỉ đạo nói trên của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đến nay vẫn chưa được Chủ đầu tư triển khai. Từ đó, nỗi bức xúc của người dân ngày càng lớn, rất dễ xảy ra xung đột quản lý khi quyền lợi bị treo quá lâu.
Ông Trần Văn Siêm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho hay, trước những bức xúc của người dân, phía Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An đã cùng với UBND huyện Duy Xuyên, UBND xã Duy Hải tổ chức buổi đối thoại. Tại đây, Chủ đầu tư cho hay đơn vị đang tiến hành họp HĐQT để xây dựng kế hoạch triển khai giai đoạn tiếp theo. Còn triển khai thế nào thì doanh nghiệp không nói, họ chỉ làm việc với huyện và tỉnh, chứ không làm việc với cấp xã. “Ở góc độ quản lý, địa phương chỉ có thể kiến nghị các cấp thẩm quyền đôn đốc Chủ đầu tư sớm triển khai thi công để bảo đảm nhu cầu của nhân dân”, ông Siêm cho hay.
Để tìm hiểu thông tin về tiến độ, kế hoạch triển khai các giai đoạn tiếp theo của dự án, phóng viên DĐDN đã nhiều lần liên hệ đại diện của chủ đầu tư, song không có hồi đáp thông tin.
Đến nay, nhiều hộ dân có nhà cửa bị xuống cấp nghiêm trọng đã nhiều lần viết đơn xin sửa chữa nhà hoặc xin bố trí tái định cư, nhưng đến nay chưa được giải quyết, cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để người dân thực hiện. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền địa phương.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin.
Có thể bạn quan tâm