Theo tỉnh Quảng Nam, hiện tại tuyến giao thông dẫn vào vùng phát triển sâm Ngọc Linh đang còn nhiều hạn chế vì vậy cần mở rộng và đầu tư thêm để phát triển cây dược liệu này.
>>Tìm hướng phát triển ngành công nghiệp sâm Việt Nam
Mới đây, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc báo cáo giải trình các nội dung liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Theo quan điểm của tỉnh Quảng Nam, tuyến Măng Lùng - Đăk Lây nằm trong Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 được Văn Phòng Chính phủ thống nhất tại Công văn số 7168/VPCP-KGVX năm 2015 và được Thường trực HĐND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 69/QĐ-HĐND năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 853/QĐ-UBND năm 2016. Qua kiểm tra đối chiếu ranh giới dự án với quy hoạch phân khu của Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, thì diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án là 26,5 ha.
Trong đó, diện tích nằm trong các phân khu gồm vùng đệm 1,08 ha (có hiện trạng là đất trống), vùng phục hồi sinh thái 9,52 ha (có hiện trạng là rừng tự nhiên), khu bảo vệ nghiêm ngặt 15,9 ha (có hiện trạng rừng tự nhiên 15,65 ha, đất trống 0,25 ha).
Trước đây, dự án đường dẫn vào vùng phát triển sâm Ngọc Linh có quy mô công trình giao thông cấp IV, dài 10,4 km, diện tích sử dụng đất 17,06 ha. Trong đó, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng bị ảnh hưởng là 14,68 ha.
Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là đảm đảo theo quy định. Tuy nhiên đến nay dự án có sự thay đổi về quy mô, thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Hiện UBND huyện Nam Trà My đang triển khai thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định. Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên với diện tích 25,17 ha sang mục đích khác để triển khai thực hiện dự án.
Tại Hội thảo “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã cho hay trong tương lai địa phương sẽ phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm đạt thương hiệu sản phẩm Quốc gia và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam).
Đồng thời, địa phương này cho rằng cần có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh,... Cùng với đó, có cơ chế chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đối với việc phát triển đầu tư trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác.
Được biết, trước đó vào năm 2020 UBND tỉnh Quảng Nam đã có tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án nêu trên. Sau đó, Bộ này đã có văn bản phản hồi, yêu cầu làm rõ một số nội dung đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cân nhắc, cẩn trọng trong việc đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm
Tìm hướng quy hoạch ngành du lịch Quảng Nam
03:00, 20/06/2022
Thành phố Hội An (Quảng Nam): Quyết định đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn
01:58, 20/06/2022
Quảng Nam: Dự án Ngọc Dương Riverside mở rộng tiếp tục trễ hạn
08:05, 17/06/2022
Quảng Nam trợ lực cho cộng đồng khởi nghiệp
09:22, 16/06/2022