Quảng Nam: Quả ngọt từ “dám nghĩ dám làm”

NGUYỄN HOÀNG 22/12/2022 16:07

Quảng Nam nhiều năm qua đã thành công bước đầu với những mùa quả ngọt, nguồn thu năm sau cao hơn năm trước và là tỉnh đứng vị thứ 11/63 cả nước, thứ 2/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…

>>

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam

Quảng Nam nhiều năm qua đã thành công bước đầu với những mùa quả ngọt, nguồn thu năm sau cao hơn năm trước và là tỉnh đứng vị thứ 11/63 cả nước, thứ 4/14 tỉnh thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thứ 2/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung…

Để có mùa quả ngọt hôm nay, Quảng Nam đã phải trải qua bao tháng ngày gian khó từ ngày tách lập tỉnh vào năm 1997. Có thể nói, những ngày gian khó ấy với một nửa số huyện là miền núi đầy khó khăn của đói, đau. Một nửa đồng bằng lại đối mặt với thiên tai bão lũ triền miên. Nông nghiệp là chủ đạo.

Những mùa quả ngọt

Để biến vùng đất chịu nhiều tan thương của chiến tranh, của thiên tai bão lũ, cả tỉnh Quảng Nam bắt đầu chuyển mình từ sức người và nguồn thu chủ yếu từ Trung ương. Bắt đầu từ đó, những con người đất Quảng đã ngồi lại bàn tính, không thể chịu đói nghèo. Phải sống chung với dịch bệnh, bão lũ, với thiên tai khắc nghiệt.
Từ cái khó, lãnh đạo Quảng Nam của các thời kỳ đã kiên trung bền lòng kiên quyết chuyển dần nông nghiệp sang thương mại dịch vụ và công nghiệp. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hình thành thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến.

Chiếc áo Khu Công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc đã quá chật, những con người đất Quảng lại một lần nữa đi tiên phong xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai-Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước với những cơ chế đặc thù mà bây giờ những người làm chính sách và hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương không ai nghĩ thành công mà như một lãnh đạo Trung ương đã nghĩ hưu nói rằng: "Nếu bây giờ chẳng ai dám nghĩ, dám làm vì nguy cơ của cơ chế chính sách tiên phong không thể bảo đảm cho một sự an toàn".

Với những quyết định táo bạo, một tổ hợp cơ khí ô tô đa ngành Trường Hải-Chu Lai đầu tiên tại khu kinh tế mở đã hình thành vóc dáng từ những cơ chế ưu đãi vượt trội tại Khu kinh tế mở Chu Lai và sau 18 năm đầu tư đã mang về cho Quảng Nam những mùa quả ngọt với hơn 1/2 nguồn thu ngân sách toàn tỉnh.

Vùng đồng bằng ven biển hoang mạc bắt đầu chuyển mình sang thương mại dịch vụ, du lịch nghĩ dưỡng với dự án Nam Hội An tổng nguồn vốn đầu tư 5 tỷ USD đã bắt đầu hình thành tạo động lực cho du lịch mà nguồn thu cho những quả ngọt đầu mùa lên đến 200 tỷ đồng.

Từ phía biển, những con người Quảng Nam lại nghĩ đến kinh tế rừng. Từ thủy điện đến tín chỉ cac bon cùng dược liệu đã được hoạch định. Hàng chục nhà máy thủy điện bậc thang trên hệ thống Vu Gia-Thu Bồn được đầu tư xây dựng đã cho nguồn thu 1.220 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến vùng chuyên canh dược liệu được hình thành với dự án chế biến sâu đã được Thủ tướng Chính phủ gật đầu chấp thuận.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Những quả "trứng vàng" của "Sếu đầu đàn" Trường Hải tạo động lực cho Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, đã biến khu căn cứ của Mỹ một thời lửa đạn thành Khu kinh tế năng động.

Sân bay, cảng biển, hệ thống đường bộ không chỉ kết nối với các tỉnh thành trong khu vực mà cả hệ thống giao thông trong tương lai gần được kết nối với các nước trong khu vực châu Á và giấc mơ sẽ là điểm kết nối từ Chu Lai đến các châu lục không còn là điều hoang tưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chụm bàn tay đưa một vòng trên tấm bản đồ và say sưa nói về khát vọng được thổi bùng từ Khu kinh tế mở Chu Lai sau khi điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng ra 4 huyện và việc sát nhập 3 huyện Phú Ninh-TP Tam Kỳ-Núi Thành để xây dựng đô thị thông minh, sinh thái.

"Bắt đầu từ Khu kinh tế mở Chu Lai, hệ thống đường bộ được đầu tư xây dựng kết nối với cửa khẩu Quốc tế Nam Giang qua Lào và cửa khẩu Bờ Y qua Campuchia-Lào trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây thông qua các nước trong khu vực. Đó là chưa kể cảng biển, sân bay trung chuyển Quốc tế Chu lai sẽ đi đến các châu lục không còn là điều hoang tưởng nếu quyết tâm đầu tư” - ông Lê Trí Thanh nói.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhìn nhận, năm 2022, dù thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, song tỉnh đã đạt những kết quả khá ấn tượng. Ðây là năm đầu tiên, đạt 16/16 chỉ tiêu theo nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Đó là thu hút dự án trong và ngoài nước với 1.293 dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đầu tư vào Quảng Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung ở một số địa phương còn chậm, việc quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản… còn hạn chế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa bảo đảm kế hoạch… Những điểm nghẽn này cần được xử lý dứt điểm để tạo đà phát triển.

Với chiến lược tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị; phát triển hệ thống cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics; quy hoạch cảng biển Chu Lai thành cảng biển quốc gia, sân bay trung chuyển Quốc tế Chu lai…là quyết sách đang được kích hoạt.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm gì để thúc đẩy phát triển công nghiệp miền Trung

    Làm gì để thúc đẩy phát triển công nghiệp miền Trung

    14:39, 18/12/2022

  • Khởi công cảng biển lớn nhất miền Trung

    Khởi công cảng biển lớn nhất miền Trung

    10:51, 14/12/2022

  • Thẩm định thực tế các dự án tham gia bình chọn DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG 2022 khu vực miền Trung

    Thẩm định thực tế các dự án tham gia bình chọn DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG 2022 khu vực miền Trung

    16:00, 10/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Quả ngọt từ “dám nghĩ dám làm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO