Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, kinh doanh trái pháp luật, hoạt động gây ô nhiễm môi trường kéo dài trên địa bàn.
>>Nhiều vướng mắc tại các dự án bất động sản Quảng Nam
Theo ghi nhận của PV, hiện nay tình hình đầu tư, xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, có nhiều dự án đầu tư công lẫn tư nhân đều xuất hiện tình trạng trễ hạn tiến độ.
Với đầu tư công, việc trễ tiến độ đã ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư. Tính đến ngày 17/11/2023, toàn tỉnh Quảng Nam đã giải ngân hơn 5.067,3 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 50,8% so tổng vốn đầu tư công năm 2023 (hơn 9.969,3 tỷ đồng). Trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 giải ngân hơn 4.198,4 tỷ đồng (đạt 49,4%), vốn năm 2022 kéo dài giải ngân hơn 868,9 tỷ đồng (đạt 58,9%). Địa phương cũng đã thực hiện điều chuyển hơn 415 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2023 từ các dự án có không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn sang các dự án có nhu cầu giải ngân ngay khi được bổ sung.
Với các dự án thương mại, đặc biệt là các dự án bất động sản, hiện nay còn khá nhiều dự án được gia hạn tiến độ nhiều lần nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện hoàn toàn. Trong đó, có thể kể đến các dự án dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Bắc Hội An, khu dân cư số 1 Điện Thắng,... chưa hoàn thiện cũng ảnh hưởng khá nhiều đến tình hình đầu tư, phát triển của địa phương.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương vẫn còn tồn tại, hạn chế như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới còn chậm. Cùng với đó, việc xử lý các tồn đọng, vướng mắc liên quan đến các dự án nhà ở thương mại, dịch vụ, khu dân cư, khu đô thị,… còn kéo dài. Đồng thời, công tác quản lý quy hoạch được duyệt, quản lý đất đai, quản lý hiện trạng tại một số địa phương còn hạn chế.
Trao đổi tại kỳ họp thứ 18, HĐND Quảng Nam khoá X khai mạc sáng 6/12, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay thời gian tới địa phương cần đảm bảo các nguồn thu đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất lợi về hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến nguồn thu trong năm 2024.
“Tỉnh cũng sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ đất đai. Xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ, kinh doanh trái pháp luật, hoạt động gây ô nhiễm môi trường kéo dài. Cùng với đó là quản lý tốt tài nguyên, khoáng sản, vấn đề môi trường ở các khu, cụm công nghiệp,...”, ông Lê Trí Thanh nói.
Với bất động sản, được biết năm 2023 các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đề xuất danh mục dự án đầu tư bất động sản nhà ở còn hạn chế, không có danh mục dự án đầu tư bất động sản nhà ở đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt để thu hút đầu tư. Tại quý II và quý III/2023 tại Quảng Nam cũng không có dự án mới được chấp thuận.
Theo tìm hiểu, tiến độ đầu tư các dự án tại địa phương hiện đang triển khai khá chậm, giá giao dịch giảm, giao dịch trầm lắng và một số khu vực gần như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Nguyên nhân chính là do cơ chế về tín dụng bị siết chặt khiến các doanh nghiệp khó triển khai dự án.
Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng các dự án phức tạp, cơ chế chính sách về bồi thường, giải phóng mặt bằng thay đổi qua các thời kỳ dẫn đến nhiều vướng mắc. Việc người dân không đồng ý với việc không bố trí tái định cư cũng đã kéo theo chậm tiến độ thực hiện dự án, chậm được giao đất, kéo theo toàn bộ dự án thực hiện không đúng tiến độ quy định. Đồng thời, có một số nguyên nhân liên quan đến việc thực hiện các thủ tục pháp lý. Trong đó, doanh nghiệp phản ánh việc giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ theo phiếu hẹn.
Đặc biệt là thực hiện thủ tục gia hạn tiến độ phải xin ý kiến của địa phương và nhiều đơn vị liên quan dẫn đến thủ tục mất rất nhiều thời gian. Hiện nay vẫn chưa có quy định thời gian bắt buộc phải có ý kiến góp ý về điều chỉnh tiến độ, dẫn đến phải chờ đợi đầy đủ ý kiến các ngành liên quan ảnh hưởng đến các thủ tục khác liên quan.
Có thể bạn quan tâm