Kiểm kê, áp giá,... nhưng rồi im lặng, người dân vùng kinh tế mới Nam Hội An (tỉnh Quảng Nam) phải chịu cảnh sống “lay lắt” bên cạnh dự án 4 tỷ USD đang triển khai.
>>Thành phố Hội An (Quảng Nam): Quyết định đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn
Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985,6 ha, thuộc ba Xã Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên) và Xã Bình Dương (Thăng Bình), tỉnh Quảng Nam, do Tập đoàn VinaCapital và Tập đoàn Gold Yield Enterprises làm chủ đầu tư. Ước tính có 1.800 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu buộc phải di dời nhường đất cho dự án.
Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đã khoác lên vùng quê ven biển một tấm áo mới hào nhoáng, hiện đại và nhiều màu sắc. Không phủ nhận, siêu dự án 4 tỷ đô này đã mang lại động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, góp phần thao đổi diện mạo cho vùng phía Đông Quảng Nam.
Tuy nhiên, nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đã kéo theo nhiều hệ lụy cho người dân tại khu vực. Trong đó, nhiều quyền lợi của người dân trong đời sống, sinh hoạt,... đã bị ảnh hưởng tiêu cực khi lâm cảnh “đi không được, ở chẳng xong”.
Với diện tích hơn 1.000m2, gia đình bà Trần Thị Mẫu (thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã được đơn vị GPMB đo đạc, kiểm đếm từ hơn 4 năm trước. Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do khiến dự án chững lại, hộ bà Mẫu chưa được giải tỏa, đền bù để được ổn định cuộc sống.
“Nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng không thể xây mới, trong khi đó sửa chữa cũng tốn kém không ít, gia đình cũng không dám sửa chữa vì không biết rõ thời điểm nào sẽ di dời. Mọi quyền lợi trên thửa đất đều không thể thực hiện được bởi đã nằm trong vùng quy hoạch, người dân chẳng biết phải làm sao”, bà Trần Thị Mẫu than thở.
Theo ghi nhận của phóng viên DĐDN, toàn bộ người dân tại khu vực này đều chung nỗi băn khoăn không biết lúc nào sẽ được di dời. Người dân đồng thuận nhưng chủ đầu tư không triển khai, khiến quyền lợi của người dân nơi đây bị “treo” suốt cả một thời gian dài.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết hiện nay công tác GPMB, tái định cư của chủ đầu tư đang có nhiều vấn đề. Trong khi các khu tái định cư cũ làm chưa xong, thì chủ đầu tư đã tiến hành triển khai tại khu vực khác khiến hạ tầng không được đồng bộ.
“Nhiều người dân đã di dời rồi lại chưa được đền bù, khi chuyển vào ở tại các khu tái định cư rồi thì lại không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi đó, đối với những trường hợp chưa di dời thì không thể xây dựng mới, đến khi gặp thời tiết bất lợi thì lại phải sơ tán nhân dân”, ông Đức chia sẻ.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các ngành, địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà - Chu Lai Quảng Nam cần tập trung quyết liệt xử lý, hoặc tham mưu cấp thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hồ sơ pháp lý, triển khai bố trí tái định cư và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân di dời do bị ảnh hưởng dự án.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam yêu cầu đơn vị GPMB phối hợp với Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An khẩn trương thực hiện chi trả tiền bồi thường, GPMB, hỗ trợ tái định cư theo các phương án đã được duyệt đảm bảo thời hạn theo thống nhất với nhân dân.
Có thể bạn quan tâm