Quảng Nam: Tạo “khoảng thở” cho di sản

TUẤN VỸ 11/01/2024 15:59

Trong năm nay, các thị trường quốc tế cũng đã quay trở lại với Hội An khá nhiều, đặc biệt là khách du lịch từ thị trường Hàn Quốc. Cùng với đó là một số thị trường truyền thống cũng đã đến địa phương.

Trong định hướng phát triển du lịch, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) quyết định tạo “khoảng thở”, giảm áp lực cho khu phố cổ di sản văn hóa thế giới bằng cách giảm mật độ xây dựng, dùng đất thương mại - dịch vụ để làm công viên, tiểu hoa viên phục vụ du khách.

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết địa phương chấp nhận giảm nguồn thu từ diện tích đất thương mại - dịch vụ để tăng thương hiệu du lịch địa phương.

- Được biết, thời gian qua ngành du lịch địa phương đã có nhiều dấu hiệu phục hồi rõ rệt từ số lượng du khách đến nguồn thu ngân sách,... Vậy kết quả phục hồi được thể hiện qua những mặt nào, thưa ông?

Trong năm 2023, địa phương đã ghi nhận sự phục hồi của ngành du lịch khi đón khoảng 4,7 triệu lượt khách tham quan, lưu trú. Trong đó, nguồn kinh phí thu được từ việc bán vé tham quan khu phố cổ khoản 194,6 tỉ đồng.

Trong năm nay, các thị trường quốc tế cũng đã quay trở lại với Hội An khá nhiều, đặc biệt là khách du lịch từ thị trường Hàn Quốc. Cùng với đó là một số thị trường truyền thống cũng đã đến địa phương.

Đây là một tín hiệu tích cực với ngành du lịch. Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp đang tích cực phục hồi sản phẩm, xây dựng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của khách sau đại dịch.

- Thưa ông, được biết thành phố đang có chủ trương “đánh đổi” nhiều diện tích đất thương mại – dịch vụ để làm công trình du lịch công cộng. Vậy hoạt động này đang được triển khai thế nào?

Trên thực tế, dễ dàng nhìn thấy khu phố cố của Hội An ở trong một diện tích rất hẹp, chưa đến 1km vuông nhưng phải gánh lượng khách du lịch rất lớn. Vào thời gian cao điểm có đến hơn 10.000 du khách và 3.000 người dân sinh sống đã quá chật chội. Vì vậy, cần phải có “khoảng thở” cho di sản này.

Kể từ năm 2009, Hội An đã xác định trở thành thành phố sinh thái và bây giờ đã chính thức có Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy Quảng Nam về xác định Hội An từ nay đến năm 2030 xây dựng thành phố sinh thái – văn hóa và du lịch. Với địa phương, chọn vấn đề sinh thái đặt lên hàng đầu vì ngoài khu phố cổ thì còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm được công nhận vào năm 2009 nên việc bảo tồn hệ sinh thái là rất quan trọng. Và Hội An dựa trên nền sinh thái để phát triển.

Về văn hóa thì đã rõ, Hội An có di sản văn hóa thế giới là khu phố cổ về mặt kiến trúc, vật thể. Còn về phi vật thể, vừa qua thành phố đã gia nhập hệ thống các thành phố sáng tạo của UNESCO dựa trên các giá trị phi vật thể, các ngành nghề thủ công truyền thống.

Định hướng của Hội An đã có từ lâu, dĩ nhiên trong quá trình phát triển bao giờ cũng có mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn. Đối với Hội An, là thành phố di sản thì phải đặt vấn đề bảo tồn lên hàng đầu. Bên cạnh đó, để giải quyết đời sống của người dân thì phải phát triển, vì vậy phải tìm cách để hạn chế mâu thuẫn xảy ra.

Trên định hướng đó, từ lâu Hội An nỗ lực giữ lấy ruộng, xây dựng làng trong phố - phố trong làng, vườn trong phố - phố trong vườn. Tất nhiên, phải có đánh đổi, và đó là dự án Gami ở Cồn Bắp,... để gia tăng sản phẩm du lịch cho địa phương. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã quy định mật độ xây dựng với các dự án này đều dưới 20%.

Một điểm mới hiện nay là địa phương đã quyết định dành nhiều “khu đất vàng” xung quanh phố cổ để làm không gian mở. Đáng lẽ, những khu đó nếu không sử dụng thì sẽ cho thuê làm cơ sở kinh doanh để thu tiền thuê đất dài hạn hoặc bán đấu giá. Dĩ nhiên, nếu các khu đất đó mang ra bán đấu giá sẽ thu về 50-100 tỉ đồng vì mức giá ở các khu vực này lên đến hàng trăm triệu đồng/m2. Tuy nhiên, địa phương không làm vậy và đã xác định sẽ làm công viên, tiểu hoa viên mang lại nhiều giá trị hơn cho du lịch.

 Hiện nay, khu phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới, đã quá chật chội và cần có “khoảng thở”.

Hiện nay, khu phố cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới, đã quá chật chội và cần có “khoảng thở”.

- Vậy địa phương đã làm được những gì, thưa ông?

Đến nay, Hội An đã triển khai nhiều khu vực công viên, tiểu hoa viên và vẫn đang nghiên cứu thêm một số khu vực mới.

Cần khẳng định rằng, tất cả các khu đất đó không phải đất công viên mà là đất thương mại dịch vụ và đất chuyên dùng, đều được ví là những “khu đất vàng của địa phương. Nếu thu hồi thì chính quyền có quyền chuyển sang đất thương mại dịch vụ hoặc là đất ở để đấu giá, việc này có lợi rất nhiều cho ngân sách địa phương.

Các khu vực trên sẽ được triển khai làm điểm dừng chân, tiểu hoa viên với mục đích tạo thêm cảnh quan cho thành phố và tạo “khoảng thở” cho đô thị.

- Với câu chuyện này, chắc chắn địa phương sẽ gặp khó trong thu ngân sách. Vậy Hội An đã có phương án nào để cải thiện vấn đề này, thưa ông?

Vấn đề là thiệt nguồn thu ngân sách và sẽ gặp nhiều khó khăn là điều hiển nhiên. Nếu như có số tiền đó thì thành phố sẽ quy hoạch đầu tư hạ tầng, đường xá cho nhân dân, thiết chế phục vụ du lịch nhanh hơn.

Có thể sẽ chậm tiến độ đầu tư hơn nhưng tương lai sẽ chắc chắn, bền vững hơn. Địa phương xác định rằng, giữ được “khoảng thở” thì khách du lịch chắc chắn sẽ thích, có điểm dừng chân, đi bộ thì thương hiệu sẽ được gia tăng.
Từ đó, khách du lịch sẽ đến nhiều hơn, thu thuế nhiều hơn, thu nhập của người dân sẽ cao hơn và đóng góp trở lại cho thành phố, như vậy sẽ đi đúng hướng bền vững. Và đây cũng chính là các hành động cụ thể của địa phương để phát triển du lịch phù hợp theo hướng du lịch xanh, du lịch bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

    Quảng Nam chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

    01:31, 04/01/2024

  • Quảng Nam: Kể câu chuyện du lịch qua ẩm thực

    Quảng Nam: Kể câu chuyện du lịch qua ẩm thực

    02:00, 01/01/2024

  • Hướng đi bền vững chop/du lịch nông thôn Quảng Nam

    Hướng đi bền vững cho du lịch nông thôn Quảng Nam

    01:00, 28/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Nam: Tạo “khoảng thở” cho di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO