Để phục hồi sản xuất cũng như phát triển kinh tế trong thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang lên kế hoạch để thu hút lực lượng lao động hồi hương.
Do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, một lượng lớn người lao động đã chọn cách về quê thay vì ở lại các tỉnh chờ ngày sản xuất được phục hồi.
Doanh nghiệp tìm cách thu hút người lao động
Sau hành trình hồi hương tránh dịch của hàng vạn người từ các tỉnh phía Nam, có không ít lao động chọn cách ở lại quê nhà lập nghiệp. Do đó, bài toán an sinh xã hội, việc làm cho người hồi hương đang được các địa phương từng bước tháo gỡ.
Đối với tỉnh Quảng Nam, hiện có rất nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp ở địa phương đang thiếu lao động nên nguồn nhân lực hồi hương chính là yếu tố bổ sung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới. Do đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã lên phương án để thu hút lực lượng này ở lại. Trong đó, một bộ phận doanh nghiệp đã lên danh sách tuyển dụng, kết nối với nhiều đơn vị khác để sớm sở hữu nguồn nhân công chất lượng.
Được biết, trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp Công ty May Trường Phú tại xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) cũng đã chịu nhiều tổn thất về kinh tế. Tuy nhiên, phía Công ty vẫn luôn cố gắng đồng hành, hỗ trợ người lao động, tìm thêm các nguồn hàng mới để đáp ứng sản xuất, khôi phục kinh tế.
Nhận thấy cơ hồi từ lực lượng lao động hồi hương, phía Công ty May Trường Phú đã có đề xuất với Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tuyển dụng thêm 200 nhân công trong thời gian tới. Đối với lực lượng công nhân hồi hương, phía công ty luôn muốn hỗ trợ hết mực để đảm bảo công việc cũng như tạo việc làm cho người dân.
Bà Lê Thị Bích Trâm – Giám đốc Công ty May Trường Phú nhận định nguồn lao động từ TP Hồ Chí Minh trở về chính là một lực lượng nhân công quý. Theo bà Trâm, hiện tại vấn đề tuyển dụng lao động luôn tương quan giữa hai vấn đề là người lao động cần việc và doanh nghiệp cần nhân công. Sau khi số lượng lao động tuyển đủ và đáp ứng các nhu cầu, phía công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và có khả năng sẽ tuyển dụng thêm từ 500 – 1000 lao động trong tương lai.
“Hiện tại, phía công ty cần những lao động có tay nghề, đã từng làm việc trong lĩnh vực may mặc để tuyển dụng sản xuất. Về chế độ chính sách phía công ty có hỗ trợ ban đầu cho những người mới khi đến với công ty. Với những đơn hàng mới, môi trường mới lao động khi đến với công ty có thể yên tâm làm việc, chế độ chi trả lương, bảo hiểm đơn vị vẫn luôn đảm bảo thực hiện theo đúng quy định”, bà Lê Thị Bích Trâm cho biết.
Địa phương tạo điều kiện thuận lợi
Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, sau khi người lao động hoàn thành việc cách ly, ổn định lại đời sống, địa phương sẽ tìm hiểu nguyện vọng để lên phương án hỗ trợ việc làm. Trong đó, đối với những người trong độ tuổi lao động, có các ngành nghề phù hợp có thể chuyển đổi được thì thực hiện việc chuyển đổi.
Đối với những ngành nghề có thể vào được các nhà máy, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, dịch vụ ở tỉnh phù hợp thì tỉnh Quảng Nam sẽ làm việc với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động vào làm việc. Đồng thời, các doanh nghiệp và các địa phương cũng sẽ kết nối với nhau để tìm phương án hỗ trợ việc làm thuận lợi nhất.
Thông tin từ ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động – Việc làm (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Nam) được biết vừa qua Sở này đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam hai phương án hỗ trợ người lao động hồi hương.Trong đó, tỉnh Quảng Nam có thể ban hành công văn chỉ đạo các ngành địa phương hỗ trợ việc làm hoặc tỉnh ký phương án hỗ trợ việc làm.
“Sở đã trình văn bản tham mưu nhưng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam chưa ký. Trong bối cảnh hiện tại, lượng người lao động đổ về quê đang là một yếu tố thuận lợi để địa phương cùng các doanh nghiệp tận dụng”, ông Lê Huy Tứ cho hay.
Cũng theo ông Tứ, dựa theo kết quả khảo sát việc làm, khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Sở LĐTB&XH đã lên phương án gửi UBND tỉnh Quảng Nam để chỉ đạo các địa phương triển khai hỗ trợ việc làm cho người lao động. Đồng thời, Sở cũng có văn bản gửi đến các huyện cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp để từng địa phương nắm bắt.
“Theo khảo sát, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển thêm gần 14.000 lao động cho thời gian tới. Để tận dụng tốt nguồn nhân lực quý này, Sở đã có động tác tham mưu, dự thảo các công văn để UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương kết nối, tìm việc làm cho người lao động. Thông qua đó, có thế giữ chân được người lao động ở lại làm việc tại quê hương để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương”, ông Lê Huy Tứ nói thêm.
Có thể bạn quan tâm