Mặc dù các chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt chỉ tiêu đề ra song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cho địa phương, đó là nhận định của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường.
>>Cải cách thể chế “chững lại”, “xói mòn” năng lực doanh nghiệp
Năm 2022, trước bối cảnh bị ảnh hưởng từ các biến động của tình hình khu vực và thế giới, thiên tai, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Song, hệ thống chính trị toàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để ổn định đời sống, bảo vệ sức khoẻ nhân dân; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đạt kết quả khá tốt trên các lĩnh vực, nhất là tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Quảng Nam thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu; tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 11,2%; thu ngân sách ước tăng đột biến hơn 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ.
Trước những khó khăn thách thức, tỉnh Quảng Nam tập trung bàn biện pháp, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 và kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm (2023 - 2025).
Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường khẳng định: “Những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực mà tỉnh đạt được trong năm 2022 đã tạo tiền đề thuận lợi, thời cơ để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển”.
Tuy nhiên, theo ông Phan Việt Cường khẳng định: kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức. Đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn, nhất là đồng bào miền núi. Công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung của một số địa phương còn chậm. Tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm chưa bảo đảm. khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai còn phức tạp, kéo dài ở một số địa phương…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 tiếp tục phát triển khởi sắc, tăng trưởng hầu hết trên tất cả lĩnh vực. Khu vực công nghiệp tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ông Thanh, dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại, đặc biệt hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Khu vực xây dựng tăng trưởng khá, tuy còn gặp nhiều khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao; khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tuy chịu ảnh hưởng yếu tố thời tiết bất lợi nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng.
Kết quả nổi bật quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là Quảng Nam đã chủ động triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Tốc độ tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 11,2%, cao hơn so với năm 2021 (5,04%), vượt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao đầu năm (7,5-8%); đứng vị thứ 11/63 tỉnh thành cả nước, thứ 4/14 tỉnh thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thứ 2/5 tỉnh thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Thu ngân sách nhà nước tăng khá cao so với cùng kỳ, vượt so với dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 được HĐND tỉnh giao 23.700 tỷ đồng, ước thực hiện 32.144 tỷ đồng, đạt 135,6% dự toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 19,1% so với cùng kỳ.
Nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, trong các nhiệm vụ chủ yếu của năm giữa nhiệm kỳ - 2023, Quảng Nam tiếp tục quan tâm hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân, khôi phục sản xuất, khắc phục khẩn cấp các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão lũ, nhất là công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi.
Đẩy nhanh thực hiện thủ tục các dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 thúc đẩy tăng trưởng. Khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục và triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế trong năm 2023 và 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định.
Triển khai và thực hiện tốt công tác quy hoạch và chương trình chuyển đổi số, chính quyền số. Phát triển công nghiệp bền vững theo chiều sâu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác; góp phần quan trọng để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo chương trình, kỳ họp thứ mười hai dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 7 đến 9-12). Những giải pháp phát triển kinh tế sẽ được đưa lên bàn nghị sự để phân tích, đánh giá và tìm biện pháp căn cơ để đẩy nhanh phát triển kinh tế với khát vọng Quảng Nam sẽ là đầu tàu kinh tế tại Khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Có thể bạn quan tâm