Tỉnh Quảng Ngãi đã và đang có nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với mục tiêu kép vừa thực hiện các biện pháp chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ngãi phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn dưới tác động kép của dịch bệnh COVID-19 và giá dầu giảm.
Sản xuất kinh doanh khó khăn
Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hợp đồng lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 14.000 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và nghỉ việc không lương. Ngoài ra, các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, dự án dẫn đến hoạt động của các nhà máy sản xuất bị ngưng trệ, việc thi công các dự án bị gián đoạn, chậm tiến độ đề ra, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 345 doanh nghiệp, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019; tổng vốn đăng ký khoảng 1.059 tỷ đồng, giảm 57%. Trong khi đó có tới có 242 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 34%; 56 doanh nghiệp đã giải thể, giảm 19% so với cùng kỳ.
Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi, dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phải cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh, sản xuất cầm chừng để giữ lao động. Hàng tồn đọng nhiều, do không xuất khẩu được, lượng tiêu thụ trong nước hạn chế, trong khi các khoản thuế, phí, giá nguyên vật liệu cũng là một rào cản, ảnh hưởng lớn đến một số ngành sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, điển hình là các doanh nghiệp ngành dệt may, chế biến thủy sản, điện tử, phân bón, dăm gỗ nguyên liệu giấy, vận tải…
Hóa giải khó khăn, thách thức
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kết nối tiêu thụ mặt hàng nông sản xuất khẩu với thị trường Trung Quốc và tìm kiếm, giới thiệu các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc để tiêu thụ các mặt hàng này, giảm bớt sự bấp bênh do phụ thuộc vào một thị trường; chủ động, can thiệp vào hệ thống các chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp logistics, các hiệp hội, tập đoàn bán lẻ… hỗ trợ thu mua, bảo quản, tiêu thụ nông sản nói chung; đồng thời chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn, định hướng, vận động tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ cho bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ ban hành cơ chế về miễn tiền sử dụng phí đường bộ, đăng ký trả phí qua trạm thu phí theo tháng, năm, phí ra vào bến xe cho phương tiện kinh doanh vận tải nhằm hỗ trợ các đơn vị vận tải vượt qua khó khăn trước mắt…
Bà Trần Thị Mỹ Ái cho biết, cùng với việc tiếp tục tập trung thực hiện công tác phòng chống dịch COVID -19 trong tình hình mới, thực hiện hiệu quả việc cách ly đối với tất cả chuyên gia, người lao động nước ngoài được nhập cảnh và làm việc tại tỉnh, Quảng Ngãi sẽ thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thường xuyên cập nhật, tổng hợp tình hình lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chính sách đối với người lao động và doanh nghiệp… qua đó, tạo sự an toàn, tin tưởng để doanh nghiệp cũng như người dân tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Quảng Ngãi cũng tiếp tục xây dựng và triển khai các chương trình hành động cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
13:48, 27/05/2020
07:56, 24/05/2020
04:16, 01/05/2020
05:00, 27/04/2020
10:03, 26/04/2020
11:42, 07/04/2020
01:20, 02/04/2020