Mặc dù đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng kết quả PCI của Quảng Ngãi trong vài năm gần đây vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
Năm 2019, PCI của Quảng Ngãi xếp 41/63 tỉnh, thành phố, với tổng số 64,33 điểm, tăng 1,93 điểm và thuộc nhóm xếp thứ hạng khá.
Nhiều chỉ số tăng điểm
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI được UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, nên đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện Chỉ số PCI.
Cùng với việc tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch, Quảng Ngãi cũng xử lý nghiêm các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp...
Theo kết quả công bố Chỉ số PCI năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với năm 2018, PCI của Quảng Ngãi có 4 chỉ số tăng điểm và tăng bậc, gồm: Gia nhập thị trường tăng 1,43 điểm và tăng 51 bậc (từ vị trí thứ 55 lên 4); Tính minh bạch tăng 0,31 điểm và tăng 2 bậc (từ vị trí thứ 10 lên 8); Cạnh tranh bình đẳng tăng 0,89 điểm và tăng 6 bậc (từ vị trí thứ 60 lên 54); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự tăng 0,66 điểm và tăng 16 bậc (từ vị trí thứ 52 lên 36).
Đáng lưu ý, chỉ số Gia nhập thị trường của Quảng Ngãi đạt 8,23 điểm, tăng 1,43 điểm và tăng 51 bậc so với năm 2018, xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố. Đây cũng là chỉ số tăng điểm và tăng bậc tốt nhất trong 10 chỉ số thành phần của Quảng Ngãi trong năm 2019. Hay, chỉ số Tính minh bạch năm 2019 đạt 6,96 điểm, tăng 0,31 điểm và tăng 2 bậc so với năm 2018, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số này đã liên tục giảm điểm trong 2 năm (2017 - 2018), nhưng đến năm 2019 đã được cải thiện về điểm số và thứ hạng, qua đó cho thấy có sự nỗ lực của các sở, ban ngành, địa phương liên quan.
Bà Trần Thị Mỹ Ái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi cho rằng, sự tăng điểm này là do thủ tục đăng ký doanh nghiệp trong thời gian qua đã được hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp; đầu tư có chiều sâu cho công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý hồ sơ doanh nghiệp… đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện một cách nhanh nhất các thủ tục.
Bà Trần Thị Mỹ Ái cho hay, để nâng cao PCI, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là phải duy trì kết quả các chỉ số thành phần có sự cải thiện đột phá trong thời gian qua và đang trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước là: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch… Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng tập trung cải thiện các chỉ số: Cạnh tranh bình đẳng, Tiếp cận đất đai, Tính năng động của chính quyền tỉnh, Đào tạo lao động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.
“Cùng với việc tiếp tục cải cách hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tính minh bạch để giảm thời gian, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư..., tỉnh Quảng Ngãi cũng xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị và địa phương tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, không đúng thẩm quyền và những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư” - Bà Trần Thị Mỹ Ái cho hay.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, bên cạnh việc niêm yết công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng… tại trụ sở cơ quan hành chính, Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, Cổng thông tin điện tử…, tỉnh Quảng Ngãi cũng xây dựng và công khai quy trình xử lý, giải quyết công việc hành chính, thủ tục hành chính để doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát, góp phần đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Tỉnh cũng triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung đến 100% cấp xã, phấn đấu trong năm 2020 đạt tối thiểu trên 60% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cấp huyện và cấp xã được quản lý trên môi trường mạng; đồng thời cung cấp hầu hết các thủ tục hành chính, sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, đặc biệt chú trọng thủ tục hành chính các lĩnh vực: đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, xây dựng, tư pháp, bảo hiểm xã hội, kê khai và nộp thuế...
Có thể bạn quan tâm