Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã quán triệt quan điểm về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Ngãi.
Sau hơn 27 năm hình thành và phát triển, KKT Dung Quất có bước phát triển vượt bậc, được đánh giá là một trong những Khu Kinh tế tiên phong và thành công của Việt Nam; là trung tâm sản xuất công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đến nay, đã thu hút 347 dự án còn hiệu lực, vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD (trong đó có 63 dự án FDI, vốn đăng ký khoảng 02 tỷ USD), vốn thực hiện đạt khoảng 10,6 tỷ USD, có 253 dự án đã đi vào hoạt động; đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 01 tỷ USD (chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách tỉnh) và giải quyết việc làm cho khoảng 68.250 lao động.
Hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh
Trước bối cảnh quốc tế và trong nước đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây. Thực tiễn đòi hỏi việc phát triển KCN, KKT cần được đổi mới mạnh mẽ hơn, hiệu quả và bền vững để thích ứng với bối cảnh trong nước và thế giới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển công nghiệp theo hướng phát triển xanh:
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 khu công nghiệp, gồm 06 KCN nằm trong Khu kinh tế Dung Quất và 04 KCN nằm ngoài Khu kinh tế Dung Quất. Tỉnh cũng định hướng phát triển các KCN này theo các mô hình KCN - đô thị - dịch vụ, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai và lợi thế sẵn có để phát triển KKT Dung Quất trở thành KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững.
Thứ hai, Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi tiếp tục khai thác những thế mạnh, tiềm năng sẵn có về các lĩnh vực công nghiệp nền tảng (với chủ lực là lọc hóa dầu, năng lượng, hóa chất, luyện kim, cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác) và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, thân thiện với môi trường và mở rộng theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh, có sức cạnh tranh cao, tạo bước đột phá để nâng cao năng suất, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn. Ngoài ra, thu hút các ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững, từng bước đưa Khu kinh tế Dung Quất trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistic, thương mại của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hình thành và phát triển các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển, đảo, các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế, phát triển huyện đảo Lý Sơn gắn với bãi biển Bình Châu, Mỹ Khê trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.
Sáu giải pháp từ thực tiễn
Để thực hiện mục tiêu này, Ban Quản lý đưa ra một số định hướng và giải pháp.
Một là, Ban quản lý đang lập và trình phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng các KCN, đô thị, dịch vụ; theo đó phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ hợp lý; bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn như khu vực bờ biển, khu vực đồi núi, hệ thống sông, hồ, kênh và các vùng ngập nước,… nhằm đảm bảo phát triển thuận tự nhiên, xanh và bền vững.
Hai là, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư theo các ngành đã xác định, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, tập trung kêu gọi thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ, KCN - đô thị - dịch vụ,…
Ba là, hướng đến thu hút các nhà đầu tư kết hợp các thiết kế nhà máy thông minh, tích hợp các công nghệ tiên tiến... để tạo ra một KCN hoạt động với tác động tiêu cực tối thiểu tới môi trường và cố gắng đạt được sự cân bằng giữa tiêu thụ năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo; áp dụng hệ thống xử lý nước thải tiên tiến nhằm hạn chế đến mức thấp nhất lượng chất thải có hại, chất gây ô nhiễm thải ra môi trường.
Bốn là, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, thúc đẩy phát kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.
Năm là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu yếu tố đầu vào, đầu ra hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong KKT để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin của tỉnh và quốc gia nhằm quản lý và giám sát chặt chẽ các nguồn phát thải ra môi trường,...
Sáu là, thúc đẩy phát triển sản phẩm "du lịch công nghiệp", thu hút khách du lịch "khám phá công nghiệp" thông qua trải nghiệm, tìm hiểu các dây chuyền sản xuất hiện đại, được trải nghiệm trực tiếp quy trình sản xuất,...
Với tiềm năng, lợi thế và nền tảng phát triển sẵn có, Khu kinh tế Dung Quất sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng là “KKT chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững”, tiếp tục sẽ là động lực, là hạt nhân tăng trưởng của kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Khu Kinh tế Dung Quất với quy mô diện tích 45.332ha, là Khu Kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; định hướng xây dựng trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia; phát triển các ngành cơ khí chế tạo - luyện kim, hoá chất, công nghiệp hỗ trợ; là trung tâm logictics lớn của khu vực nhằm phát huy và khai thác hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất, sân bay Chu Lai; là đầu mối vận chuyển hàng hoá và giao thương quốc tế quan trọng trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên. KKT Dung Quất là một trong những Khu Kinh tế được Chính phủ Việt Nam cho phép áp dụng các chính sách ưu đãi về thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất hiện nay. |
Có thể bạn quan tâm