Là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, Quảng Ninh đang đầu tư xây dựng hạ tầng hậu cần nghề cá và quản lý tàu cá lớn… để nhanh chóng gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản.
>>>Quảng Ninh: Cảnh báo ô nhiễm môi trường vùng nuôi Hàu ở Vân Đồn
Còn nhiều lỗ hổng
Theo sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 8.000 tàu cá. Trong đó 209 tàu cá dài trên 15m, gần 1.300 tàu cá từ 12-15m, còn lại là tàu cá dưới 12m. Các tàu cá này chủ yếu khai thác trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Trong đó có các vùng biển tiếp giáp vùng biển nước ngoài. Điểm đậu đỗ sau khai thác của các tàu cá rải rác nhiều vị trí, tập trung nhất là khu vực cảng Cái Rồng, thuộc thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.
Với bờ biển dài 250km, Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, việc ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...) đã gây tổn thất không nhỏ về kinh tế đối với cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo Chi cục Thủy sản, sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện số lượng tàu cá dưới 12m do cấp huyện, cấp xã quản lý chưa được đăng ký, đăng kiểm, cấp biển số khá lớn. Do vậy, các tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận an toàn thực phẩm, nhật ký sản xuất cũng không được ghi chép lại. Đặc biệt, sản phẩm khai thác ra không xác định được nguồn gốc… Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý tàu cá, cần phải được xử lý dứt điểm nếu muốn gỡ “thẻ vàng” IUU.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh hiện chưa có các cảng cá hoàn thiện, được công nhận và công bố đủ điều kiện hoạt động. Điều này cũng gây khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác hay xác nhận nguyên liệu thủy sản, một trong những yêu cầu đưa ra của EC.
Theo Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh còn nhiều hạn chế trong thực hiện các quy định về IUU và cần nhanh chóng tháo gỡ như: Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, bốc dỡ thủy sản tại cảng chưa đảm bảo được độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân là tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa có cảng cá chuyên dụng được đầu tư xây dựng hoàn thiện. Do đó, việc thành lập bộ phận kiểm soát tàu cá tại cảng, cấp phát, thu hồi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác thủy sản còn nhiều khó khăn…
Đầu tư hạ tầng nghề cá
Theo ông Phạm Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để gỡ “thẻ vàng” của EC, tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”, địa phương sẽ thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022. Tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị liên quan đảm bảo tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng hoạt động của thiết bị trước khi cho tàu cá đi khai thác trên biển; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý hoạt động khai thác mang tính hủy diệt, khai thác bất hợp pháp và không khai báo theo quy định. “Tỉnh Quảng Ninh cũng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại 1 tại huyện Vân Đồn”, ông Thành cho biết thêm.
Hiện phía tỉnh Quảng Ninh đã xác định 11 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền. Địa phương đã xây dựng hoàn thiện 8 khu; trong đó có 2 khu được công bố hoạt động, 2 khu được xây dựng theo quy mô kết hợp hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão và cảng cá. Riêng với khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại 1 tại huyện Vân Đồn có giá trị đầu tư gần 200 tỷ đồng. Công trình này khi đi vào sử dụng sẽ là nơi neo đậu cho 1.200 tàu, thuyền có công suất đến 1.000CV.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 209/209 tàu khai thác thủy sản tuyến khơi có chiều dài trên 15m. Đặc biệt, tại khu vực cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn, tất cả các tàu cá khi ra vào cảng đều phải làm việc với Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng để được cấp lệnh. Đây là một trong những động thái cần thiết, để Quảng Ninh gỡ “thẻ vàng” IUU, nhất là trong điều kiện hạ tầng cảng, bến Cái Rồng chưa hoàn thiện, chưa được bàn giao và công bố như hiện nay.
>>>Doanh nghiệp "mắc kẹt" vì thẻ vàng thuỷ sản và nguy cơ đóng cửa thị trường EU
>>>VASEP đề nghị đưa ngành chế biến thủy sản ra khỏi danh mục có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Theo đại diện văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng, tính đến tháng 10/2021, đơn vị đã thực hiện kiểm tra, hướng dẫn 679 lượt tàu cá rời cảng; kiểm tra, giám sát 609 lượt tàu cá nhập cảng, thu 588 quyển nhật ký khai thác, nhật ký thu mua thủy sản với tổng số lượng thủy sản qua cảng gần 1.783 tấn.
Còn theo anh Nguyễn Văn Thành - Chủ tàu QN-90256TS chia sẻ, với thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt, tàu được định vị để cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi, quản lý. Đặc biệt, mỗi khi chuẩn bị vượt sang vùng biển của nước bạn vì mải theo những đàn cá, tàu sẽ nhận được tín hiệu cảnh báo. Như vậy, tránh được lỗi khai thác bất hợp pháp.
Cùng với đầu tư hạ tầng nghề cá, Quảng Ninh đặt mục tiêu thả giống thủy sản về tự nhiên, nhằm tái tạo nguồn lợi mỗi năm ít nhất trên 3 triệu con tôm, cá các loại. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai Kế hoạch số 215/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 1664/QĐ- TTg ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Đây cũng là động thái để Quảng Ninh từng bước phục hồi, làm giàu, xuất hiện trở lại nhiều đàn thủy sản với số lượng lớn, chủng loại quý, giá trị cao. Đồng thời, từng bước khắc phục IUU, hoàn thành gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản vào năm 2022.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã xử lý gần 2.400 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thu nộp ngân sách nhà nước gần 12 tỷ đồng, bằng 19,3% tổng tiền phạt trong lĩnh vực này của cả nước. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 1.541 vụ vi phạm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, đã xử phạt 1.539 vụ việc với tổng số tiền phạt hơn 5.873 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tịch thu 2 phương tiện vi phạm, 56 kích điện, 442 lồng bát quái, 362m dây điện, 10 bộ quần áo lặn, 360m ống hơi, 3 súng bắn điện, 9.000m lưới đăng, 5 lưới te... |
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Cảnh báo ô nhiễm môi trường vùng nuôi Hàu ở Vân Đồn
01:50, 17/11/2021
BHXH TP.Móng Cái (Quảng Ninh): Tích cực tăng độ “phủ sóng” BHYT học sinh - sinh viên
22:23, 16/11/2021
Quảng Ninh: Đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa
01:31, 11/11/2021
Uông Bí - Tâm điểm đầu tư bất động sản Quảng Ninh
14:00, 10/11/2021
Kiểm soát người ra vào Quảng Ninh bằng "hành trình không chạm"
10:12, 10/11/2021