Xây dựng chính quyền điện tử, bài học từ cái “xắn tay” của chính quyền Quảng Ninh

Thu Duyên 20/11/2019 15:13

“Các thành phố thông minh có nhiều cấu phần khác nhau, nhưng đều dựa trên những trụ cột chính là hạ tầng, dữ liệu, nền tảng công nghệ và hệ điều hành thông minh…”.

Ông Stan Singh, chủ tịch APICTA (Liên minh các tổ chức CNTT khu vực châu Á-Thái Bình Dương) cho biết tại Hội nghị “Chuyển đối số hướng tới xây dựng thành phố thông minh” được tổ chức hôm nay, ngày 20/11 tại TP.Hạ Long. Ông Stan Singh cũng nhấn mạnh, việc chuyển đổi số nên được bắt đầu từ ngày hôm nay với một lộ trình dài hơi và cụ thể do chính các nhà lãnh đạo và chuyên gia công nghệ cùng bắt tay kiến tạo.

Hình thành chuỗi thành phố thông minh tại các vùng kinh tế trọng điểm

Hội nghị quốc tế về chuyển đổi số và thành phố thông minh 2019 – Quảng Ninh là một trong các hoạt động được tổ chức song hành trong khuôn khổ giải thưởng APICTA 2019 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh đồng đăng cai tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ 11 tỉnh, thành phố trong nước và 16 quốc gia, nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hội nghị cũng là một nội dung thực thi trong chiến lược hợp tác dài hạn giữa VINASA và Quảng Ninh, nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số mà tỉnh là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện, tiến tới xây dựng một Quảng Ninh số.

Quang cảnh hội nghị quốc tế

Hội nghị quốc tế “Chuyển đổi số hướng tới xây dựng thành phố thông minh” thu hút đông đảo các đại biểu là chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự

Ông Nguyễn Trung Chính - Phó Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Với sự ra đời và phát triển đột phá của những công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, Dữ liệu lớn, Blockchain,… cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang dẫn dắt chúng ta bước vào một hành trình mới - hành trình Chuyển đổi số. Trong hành trình đó, ở tầm quốc gia, việc kiến tạo và vận hành các thành phố thông minh, đô thị thông minh là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội mà còn là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế”.

Trong định hướng thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ hhoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc cách mạng này mang lại. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam; đến năm 2030, Việt Nam phải hình thành chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó, hội nghị quốc tế về chuyển đổi số và thành phố thông minh 2019 – Quảng Ninh tập trung vào 2 vấn đề cụ thể là Ứng dụng chuyển đổi số xây dựng thành phố thông minh” và Chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm – vốn là xương sống về kinh tế - xã hội của các thành phố.

Xây dựng tiền đề quan trọng ngay từ đầu

Một trong những kinh nghiệm của Quảng Ninh trong xây dựng chính quyền điện tử là phải xây dựng tiền đề quan trọng ngay từ đầu. Từ năm 2012 tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng Chính quyền điện tử là nền tảng cốt lõi cho thành phố thông minh; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và liên thông với Chính phủ; làm cơ sở cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính với mô hình 15 Trung tâm hành chính công từ tỉnh đến cấp huyện và 186 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Quảng Ninh xác định việc ứng dụng CNTT-TT phải hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ và mức độ cạnh tranh của đô thị, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng những nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về mọi khía cạnh kinh tế, môi trường, văn hóa xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết

Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử của Quảng Ninh là "hãy xây dựng tiền đề quan trọng ngay từ đầu"

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, coi lĩnh vực thông tin truyền thông vừa là một nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững của Tỉnh. Thành quả của nỗ lực này đã phần nào được thể hiện qua những chỉ số đánh giá xếp hạng, cụ thể: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index 3 năm liền đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố, năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2018 Quảng Ninh đã được tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, với những thành công và kết quả trong xây dựng Chính quyền điện tử.

Do đó, từ năm 2016 tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án thành phố thông minh với mục tiêu: xây dựng thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng CNTT phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội. Hiện nay, tỉnh tiếp tục xây dựng Đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả đạt được, đảm bảo phù hợp với định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT trong việc tiếp tục phát triển chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đồng thời, Quảng Ninh đang triển khai xây dựng Khu CNTT tập trung tại phường Tuần Châu, TP.Hạ Long với tổng diện tích khoảng 8,64 ha trong đó có đầy đủ các phân khu về phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, an toàn thông tin... và đặc biệt là phân khu dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Tỉnh Quảng Ninh xác định việc xây dựng và hình thành Khu CNTT tập trung là một trụ cột để phát triển dịch vụ thông minh sáng tạo, đặc biệt xây dựng khu phần mềm chính là đòn bẩy và là điểm kết nối để tạo ra các năng lực mới về thành phố thông minh và sáng tạo, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế tri thức thông tin của khu vực”.

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc đua đầu tư thành phố thông minh

    Cuộc đua đầu tư thành phố thông minh

    03:35, 03/11/2019

  • Đà Nẵng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh 2019

    Đà Nẵng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Thành phố thông minh 2019

    08:18, 24/10/2019

  • Đâu là giá trị thực của một thành phố thông minh?

    Đâu là giá trị thực của một thành phố thông minh?

    06:00, 17/10/2019

  • Thành phố thông minh chưa có nền tảng thông minh

    Thành phố thông minh chưa có nền tảng thông minh

    06:30, 10/10/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng chính quyền điện tử, bài học từ cái “xắn tay” của chính quyền Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO