Giai đoạn 2015-2020, hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) Quảng Ninh vẫn chưa đạt được như tiềm năng vốn có.
Theo thống kê của Cục Hải quan Quảng Ninh, giai đoạn 2015-2020, số tờ khai XNK qua địa bàn tỉnh tăng từ 55.000 (năm 2015) lên gần 80.000 tờ khai (năm 2019), tăng 7,5%/năm; kim ngạch XNK dao động từ 10-15 tỷ USD/năm; hiện có khoảng 1.100-1.200 doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK…
Đây được cho là những con số khá ấn tượng. Nhưng theo nhiều doanh nghiệp XNK thì hoạt động này vẫn chưa tăng trưởng theo kỳ vọng xứng với tiềm năng vốn có của Quảng Ninh.
Nguyên nhân chính vẫn là do những hạn chế trong phát triển hạ tầng cảng biển, hệ thống logistics… Ông Lê Hồng Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân (CICT), cho biết, hiện ưu thế của cảng Cái Lân là tiếp nhận tàu hàng rời cỡ lớn. Tuy nhiên, do thường xuyên bị phù sa bồi lấp, nên các tàu hàng trên 50.000DWT tấn đều phải sang tải, hạ tải tại các khu vực cảng nổi mới đảm bảo an toàn đi vào trong cảng.
“Việc giảm tải thường xảy ra hao hụt lớn, tăng chi phí cho doanh nghiệp, giảm doanh thu của đơn vị kinh doanh cảng. Hạ tầng cơ sở trong khu vực cảng đã xuống cấp, đường ra vào cảng chật hẹp, thường xuyên bị ùn tắc khi có từ 2 tàu hàng rời trở lên vào làm hàng. Điều này đang làm cho cảng Cái Lân mất rất nhiều lợi thế so với cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng). Đơn vị không thể thu hút được hàng container, nếu muốn thu hút được thì phải đưa ra giá dịch vụ rất thấp, chấp nhận bù lỗ, để đảm bảo công việc, đời sống cho người lao động”, ông Quân nói.
Cũng giống như cảng Cái Lân, tại điểm Hòn Nét, hòn Con Ong (khu vực cảng Cẩm Phả) có mật độ tàu lớn, nhưng năng lực bốc xếp có hạn, nhiều thời điểm quá tải, tàu phải nằm chờ, phát sinh chi phí; trong khi nhiều điểm neo trên Vịnh Hạ Long đáp ứng các điều kiện về chuyển tải, xếp dỡ hàng, nhưng hiện chưa được phép đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế.
Ông Heru Setiawan, Giám đốc mua hàng Công ty CP Xi măng Thăng Long, chia sẻ, Trong 5 tháng đầu năm nay, Công ty đã xuất khẩu được 5 chuyến hàng/237.000 tấn clinke qua điểm Hòn Nét. Nhưng do khu vực này liên tục bị quá tải, tàu phải nằm chờ quá thời hạn đăng ký 5 ngày với hãng tàu, khiến đơn vị bị phạt 8.000 USD/ngày. Nếu bất cập này không sớm được khắc phục thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của doanh nghiệp.
Hạ tầng cảng biển yếu còn được thể hiện qua việc các khu vực cảng Vạn Gia, Cẩm Phả và Hòn Gai đều không có kho, bãi để chứa hàng hóa XNK; dẫn đến doanh nghiệp XNK phải thuê kho, bãi của các doanh nghiệp trong các KCN để bảo quản hàng hóa, từ đó làm tăng chi phí vận chuyển và thời gian xếp, dỡ hàng hóa.
Để giải quyết những bất cập trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, tỉnh cần nghiên cứu cấp thêm điểm neo tại khu vực Hòn Gai để giảm tải cho khu vực Hòn Nét, hòn Con Ong; nạo vét luồng để tàu to có thể cập cảng Cái Lân trực tiếp; xây dựng chính sách riêng để Quảng Ninh tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn khu vực cảng Cái Lân; hỗ trợ cho các hãng tàu mở tuyến; kéo dài thời gian thông quan với Trung Quốc; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; sớm đầu tư các nhà ở xã hội tại các khu công nghiệp…
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Nghiên, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, khẳng định, đơn vị đã tiếp thu, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp để báo cáo UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành chức năng tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc. Trong đó tập trung giải quyết bất cập của các cửa khẩu đường bộ, cảng nổi nước sâu, cảng bờ, hoạt động logistics, thu phí hạ tầng cảng biển.
Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển, 14 bến cảng, 9 bến thuỷ nội địa, 16 điểm kiểm tra hàng hoá xuất khẩu được đầu tư đồng bộ về trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho việc kiểm soát hàng hoá xuất khẩu. Quảng Ninh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế...
Được biết, tromg chiến lược phát triển kinh tế cảng biển, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng, Hải Hà), 6 bến cảng (Hòn Gai, Vạn Gia, Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Cô Tô), các bến phao và khu neo đậu chuyển tải với hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển đồng bộ.
Trong đó, Cái Lân sẽ là khu bến chính của cảng biển Quảng Ninh, gồm các bến cảng tổng hợp và container, các bến chuyên dụng, tập trung duy trì khai thác cho tàu tổng hợp đến 50.000 tấn, tàu container đến 5.000 Teus, năng lực thông qua đạt khoảng 25-33 triệu tấn/năm vào năm 2020 và khoảng 35-40 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Có thể bạn quan tâm
03:45, 07/10/2018
13:45, 15/11/2019
12:05, 08/03/2019
07:00, 11/06/2019
01:49, 09/10/2018