Dịch bệnh COVID-19 khiến hàng loạt khách sạn đang "sống dở chết dở". Nhiều khách sạn trăm tỷ thậm chí phải rao bán vì đã “kiệt sức”.
Từ ngày 28/1/2021 đến nay, gần như tất cả khách sạn tại Quảng Ninh đã đóng cửa, không hoạt động, cắt giảm nhân sự, chi phí. Nguồn vốn cạn kiệt, nhiều chủ sở hữu buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.
Là “ông trùm” trong lĩnh vực khách sạn, riêng tại Quảng Ninh, Mường Thanh có 5 khách sạn với 1.800 phòng và 1.000 công nhân viên lao động. Nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, 5 cơ sở này luôn trong tình trạng “vườn không nhà trống” du khách.
Ông Đinh Thọ Quang, Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh, cho biết: “Trước ngày 28/1, khách sạn có khoảng trên 200 mã khách hàng đặt phòng vào dịp Tết Nguyên đán với tổng trị giá vài tỷ đồng. Khi đại dịch lần thứ 3 trực tiếp tấn công Quảng Ninh, tất cả khách hàng đều hủy dịch vụ, chuyển tuyến”.
“Hiện nay, để duy trì bộ máy, Tập đoàn Mường Thanh phải chấp nhận bù lỗ, hỗ trợ 40% lương cho người lao động, duy trì đóng BHXH. Nhưng tình trạng này kéo dài thì không biết thế nào”, ông Quang chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày gần đây, khi du lịch nội tỉnh hoạt động trở lại một số khách sạn mở cửa và giảm giá sâu từ 30-70% nhưng vẫn không có khách. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Bộ phận phòng, Khách sạn Sài Gòn - Hạ Long cho biết: “Khách sạn đã mở nhưng chưa ai vào. Hiện khách sạn chỉ duy trì 2 người làm việc gồm 1 bảo vệ, 1 nhân viên vệ sinh trên tổng số 150 cán bộ, nhân viên”.
Được biết, để vận hành một khách sạn 4 sao với quy mô 30-40 phòng, mỗi tháng cần khoảng 400 triệu đồng. Nếu khách sạn bán giá phòng 1,2 triệu đồng/phòng/ngày, thì mỗi ngày phải bán được hơn 10 phòng để có nguồn thu đủ chi trả duy trì hoạt động của khách sạn đó. Khi khách sạn đóng cửa không có doanh thu thì chủ sở hữu vẫn phải chi gần 100 triệu đồng/tháng cho các chi phí khác.
Nếu như những tên tuổi lớn còn có khả năng cầm cự, thì rất nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn đang có nguy cơ phá sản, họ buộc phải rao bán khách sạn để lấy tiền chi trả cho hàng loạt những khoản vay. Dạo trên một số trang chuyên mua bán bất động sản, không khó để bắt gặp nhưng thông tin rao bán khách sạn với đủ mọi mức giá từ vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch hiệp hội du lịch Quảng Ninh cho biết: “Trước những khó khăn trên, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch”.
Theo đó, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn mong muốn các ngân hàng giảm sâu lãi vay xuống 50% hoặc không thu lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ cho các khách sạn; Chính phủ cho giảm 50% hoặc miễn thuế VAT để doanh nghiệp có tiền trang trải tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên đồng thời miễn, giảm hoặc cho nộp chậm các phí như tiền điện nước, phí thu gom rác thải.
Đặc biệt là tiền thuê đất, theo bà Bảo, tiền thuê đất tăng hàng năm, như năm 2020 đến 2012 tăng lên 2,6 lần. Trong khi, đây là 2 năm khó khăn nhất của ngành du lịch do dịch bênh hoành hành, các khách sạn không có khách nên không có nguồn thu. “Vì vậy, hiệp hội mong muốn tỉnh Quảng Ninh xem xét miễn tiền thuê đất năm 2020 và 2021”.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh yêu cầu người về phải có kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2
12:26, 13/07/2021
Thẩm định thực tế các "DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG" tại Hải Phòng, Quảng Ninh
03:00, 11/07/2021
Quảng Ninh: Cứu doanh nghiệp du lịch từ sửa đổi chính sách
08:51, 09/07/2021
Nghịch lý san lấp dự án ở Quảng Ninh
23:06, 05/07/2021
Quảng Ninh: Ngành du lịch “tự cứu mình” bằng xây dựng tour du lịch an toàn
14:50, 05/07/2021
Quảng Ninh: Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch để đón khách du lịch
00:38, 23/06/2021
Hạ Long (Quảng Ninh): Ám ảnh những quả đồi trọc
03:50, 19/06/2021