Kinh tế địa phương

Quảng Ninh: Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

TRUNG THÀNH 04/08/2024 09:59

Quảng Ninh đang tập trung triển khai quyết liệt, đẩy nhanh các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024.

4(1).jpg
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TX Đông Triều phối hợp với UBND xã An Sinh GPMB dự án cải tạo, nâng cấp cầu Đồng Dung và đường dẫn tại thôn Ba Xã, xã An Sinh

Tìm nguyên nhân

So với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay thấp hơn 3,7%, đây là một thách thức lớn, tạo áp lực lên các cấp, các ngành trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh xác định nguồn vốn đầu tư công là một trong 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế trên 2 con số trong năm 2024. Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, các cấp, ngành cần tận dụng những tháng cuối năm để tập trung giải ngân, bù đắp cho đầu năm, đảm bảo mục tiêu đến 31/12 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.

Theo báo cáo của các sở, ngành chức năng, trong 7 tháng, tỷ lệ thu tiền sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mới đạt 18% dự toán năm, điều này đã gây ra sự thiếu hụt trầm trọng nguồn vốn được bố trí cho đầu tư công năm 2024, dẫn đến tỷ lệ thanh quyết toán, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Theo báo cáo của Sở Tài chính tại Kỳ họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 7, đến hết tháng 7/2024, tổng thu tiền sử dụng đất của các địa phương ước đạt 1.464 tỷ đồng, bằng 18% dự toán tỉnh giao, bằng 56% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 9/13 địa phương của tỉnh có tỷ lệ nguồn thu tiền sử dụng đất thấp hơn tốc độ thu bình quân (Quảng Yên 51%, Hải Hà 49%, Cô Tô 45%, Uông Bí 35%, Bình Liêu 38%, Hạ Long 12%, Đầm Hà 7%, Cẩm Phả 6%, Vân Đồn 5%), điều này dẫn đến các địa phương này không đảm bảo nguồn chi cho đầu tư công, đồng nghĩa với việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cấp huyện 7 tháng chỉ đạt 23,1% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (30%).

Tại TP Hạ Long, tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 được địa phương lên kế hoạch chi từ đầu năm trên 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến hết tháng 7 mới chỉ giải ngân được khoảng 450 tỷ đồng, đạt 15,7% kế hoạch. Một trong những nguyên nhân được xác định đó là số thu tiền sử dụng đất của địa phương trong 7 tháng đầu năm do Sở Tài chính báo cáo mới đạt 12%, dẫn đến thiếu nguồn chi; cùng với đó các dự án đều nằm trong vùng đệm di sản, do đó phải thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, chấp thuận của Bộ Văn hóa - Thể thao theo Luật Di sản trước khi triển khai thực hiện. Điển hình là có dự án đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương có tỷ lệ giải ngân đạt 0%.

2(2).jpg
Các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP Uông Bí đang được triển khai thi công đảm bảo tiến độ đặt ra

Còn tại TP Cẩm Phả, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được giao đầu năm là 460 tỷ đồng, đến hết tháng 7/2024, mới giải ngân đạt 3% kế hoạch, nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất tỉnh. Nguyên nhân chính được xác định là do số thu tiền sử dụng đất 7 tháng đầu năm của TP Cẩm Phả do Sở Tài chính báo cáo mới chỉ đạt 6% dự toán giao, dẫn đến không có nguồn chi.

Tăng tốc...

Ông Phạm Hồng Biên - Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: Qua rà soát có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, đó là do tính đặc thù của đầu tư công; khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương đảm bảo cho chi đầu tư phát triển; vướng mắc trong hoàn thiện thủ tục đầu tư; vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, cùng mặt bằng pháp lý, có chủ đầu tư, địa phương giải ngân tốt; có chủ đầu tư, địa phương giải ngân thấp, cho thấy sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.

Có một thực tế diễn ra hằng năm trong lĩnh vực đầu tư công, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu năm thấp, đó là những tháng đầu năm, gần như các chủ đầu tư thường tập trung vào việc thực hiện công tác thanh, quyết toán kế hoạch vốn năm trước và giải ngân nốt số vốn còn lại của năm trước kéo dài thời gian thực hiện sang năm sau, đồng thời tập trung hoàn trả số dư tạm ứng chuyển sang. Do vậy, với số vốn được giao trong năm 2024 này, các cấp, các ngành phải mất nhiều tháng để triển khai thực hiện các dự án khởi công mới, nếu kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng để giải ngân vốn; còn đối với các dự án chuyển tiếp, những tháng đầu năm 2024 thời tiết mưa nhiều, kéo dài ngày nên không thể triển khai thi công đồng bộ.

Tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XIV lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định, một trong 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế 2 con số năm 2024 của Quảng Ninh là tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách.

3.jpg
Nhà thầu tập trung thi công dự án nút giao Cầu 3 Vân Đồn

Để công tác giải ngân đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh chỉ đạo, các cấp, các ngành phải quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm được xác định phải hoàn thành trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án; chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt.

Để khắc phục tình trạng này, trước mắt UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã phải trình HĐND cùng cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, điều chỉnh dự toán chi ngân sách địa phương, điều chuyển nguồn vốn từ dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang dự án có khối lượng giải ngân vốn cao.

Riêng tại TP Cẩm Phả, tại kỳ họp thường lệ giữa năm được tổ chức vừa qua, HĐND TP Cẩm Phả đã nghiên cứu, xem xét tờ trình của UBND thành phố về việc điều chỉnh giảm chi thường xuyên ngân sách thành phố để bổ sung kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2024, với số tiền trên 35 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 giảm gần 480 tỷ đồng.

Để đảm bảo nguồn vốn chi đầu tư phát triển năm 2024 từ nguồn thu tiền sử dụng đất, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo Sở TN&MT, UBND các địa phương theo dõi, đánh giá sát tình hình, diễn biến thị trường bất động sản để đề ra các giải pháp thu ngân sách, đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư; các địa phương tính toán, cân đối các nguồn thu, nếu xét thấy không đảm bảo nguồn thu tiền sử dụng đất thì nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch vốn đối với các dự án.

Đặc biệt, các chủ đầu tư, UBND các địa phương cần phải sâu sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị nhà thầu tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án; tăng cường tần suất kiểm tra dự án để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập trong giải ngân; thay thế kịp thời những CBCCVC yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Tài chính phải thực hiện giám sát, thanh tra công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành của các địa phương; thực hiện công khai danh sách các nhà thầu và chủ đầu tư vi phạm thời gian quyết toán theo quy định.

Trong 5 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước và hoàn ứng theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO