Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo các tàu cá từ 6m đến dưới 12m đăng ký theo đúng quy định.
>>>Quảng Ninh: Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản
Từ con số thực tế...
Theo Thông báo số 107/TB-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 27/6/2024, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.489 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đang hoạt động chưa đăng ký chính thức. Trong số này, huyện Vân Đồn có 645 tàu; TP Hạ Long có 428 tàu; huyện Cô Tô có 144 tàu; huyện Tiên Yên có 110 tàu; TX Quảng Yên có 107 tàu; TP Cẩm Phả có 48 tàu; TP Uông Bí có 4 tàu; huyện Đầm Hà có 2 tàu; huyện Hải Hà có 1 tàu. Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo các tàu cá từ 6m đến dưới 12m đăng ký theo đúng quy định.
Theo UBND huyện Vân Đồn: Trong 1.489 tàu cá toàn tỉnh chưa đăng ký chính thức thì huyện Vân Đồn có 640 tàu cá từ 6m đến dưới 12m, nhiều nhất toàn tỉnh. Đầu tháng 7/2024, huyện Vân Đồn đã thành lập Tổ công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện đăng ký đối với tàu cá từ 6m đến dưới 12m và tổng rà soát tàu thuyền không phải tàu cá trên địa bàn huyện Vân Đồn. Tổ công tác có nhiệm vụ thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ để các chủ tàu thực hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá từ 6m đến 12m theo danh sách.
Đồng thời, giao Phòng NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Chi cục thuế khu vực Cẩm Phả - Vân Đồn - Cô Tô, UBND các xã, phường triển khai cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thuỷ sản cho tàu cá phấn đấu xong trước ngày 30/7/2024. Đối với các xã, phường, tiếp tục thực hiện tổng rà soát tất cả tàu thuyền không phải tàu cá trên địa bàn; hướng dẫn nghiệp vụ thành phần hồ sơ để đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền không phải tàu cá. Phòng Kinh tế hạ tầng địa phương chủ trì phối hợp với Công an huyện và các cơ quan đơn vị có liên quan triển khai thực hiện kê khai theo biểu mẫu, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm đối với tàu thuyền không phải tàu cá xong trước ngày 30/7/2024.
Ông Hà Văn Ninh - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn, cho biết: Thực tế việc đăng ký chính thức cho các tàu cá gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do những đối tượng trực tiếp tham gia nghề khai thác, nuôi trồng thuỷ sản hiện nay chủ yếu xuất phát từ nghề nông, lâm, ngư nghiệp là người địa phương cũng như người ngoài địa phương tiếp cận với chính sách pháp luật nói chung, trong lĩnh vực thuỷ sản chưa được đầy đủ, kịp thời dẫn đến việc chấp hành một số quy định chưa được nghiêm. Huyện tiếp tục tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các chủ tàu thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định, phấn đấu hoàn thành trong thời gian sớm nhất theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Đứng thứ 2 trên toàn tỉnh có số lượng tàu cá chưa đăng ký chính thức là TP Hạ Long với 428 tàu. Ngay sau khi có danh sách thông báo của UBND tỉnh, TP Hạ Long yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương rà soát, đối chiếu, điều chỉnh (nếu có) danh sách tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m đã đóng mới, cải hoán, mua bán, cho, tặng đang hoạt động nhưng chưa đăng ký theo quy định. Thành phố cũng yêu cầu Phòng Kinh tế thông báo lịch kiểm tra các thông số kỹ thuật tàu cá tại UBND các xã, phường. Thực tế cho thấy, việc thẩm định các hồ sơ cũng đang gặp không ít vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thủ tục thuế.
Ông Lê Văn Thắng, Phó Phòng Kinh tế (TP Hạ Long) chia sẻ: Nhóm tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hầu hết không có hóa đơn giá trị gia tăng khi đóng tàu hay cải hoán tàu, nên không thể cấp phí trước bạ, một trong những thủ tục bắt buộc để cấp giấy phép khai thác hải sản theo quy định của Bộ NN&PTNT. Nhiều chủ tàu tự đóng mới mà không xin chấp thuận, mua bán nhưng không thực hiện thủ tục chuyển hồ sơ theo quy định pháp luật dẫn đến tình trạng tàu không có hồ sơ gốc; tàu không đáp ứng điều kiện, tiêu chí quy định (vỏ tàu, máy tàu, nghề khai thác…).
Thời gian vừa qua, có nhiều chủ tàu liên hệ với Phòng Kinh tế để làm hồ sơ đăng ký tàu cá, tuy nhiên qua kiểm tra danh sách UBND các xã, phường báo cáo, đăng ký gửi về phòng để tổng hợp không có tên của các chủ tàu nêu trên do vậy không có cơ sở để hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký tàu cá theo quy định, một số phường, xã không có báo cáo mặc dù trên địa bàn có chủ tàu cá chưa được đăng ký.
...đến xử lý nghiêm
Từ câu chuyện thực tế của 2 địa phương trên cho thấy, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xóa các tàu cá thuộc diện “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm). Trong khi đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT chủ trì, hướng dẫn UBND các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức tiếp nhận hồ sơ thực hiện đăng ký chính thức cho các tàu cá.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến hết ngày 31/12/2024. Sau ngày 5/1/2025, các tàu cá thuộc danh sách chưa được đăng ký chính thức theo quy định, Sở NN&PTNT sẽ tổng hợp đưa vào danh sách tàu cá bất hợp pháp gửi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định. Nếu các khó khăn, vướng mắc không được giải quyết sẽ rất khó trong công tác quản lý đội tàu này, dẫn đến nguy cơ vi phạm khai thác IUU rất cao.
Mới đây, Đoàn công tác liên ngành của TP Hạ Long tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các tàu cá “3 không” hoạt động trên địa bàn. Cụ thể, Đoàn đã tiến hành kiểm tra giấy tờ của trên 20 phương tiện tàu cá, kết hợp tuyên truyền giải pháp chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo và gắn với công tác quản lý khai thác, phát triển nguồn lợi thuỷ sản (IUU) trên địa bàn.
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với các hành vi vi phạm như: quy định về Giấy phép khai thác thủy sản; quy định về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản; quy định về nghề, ngư cụ khai thác thủy sản; quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm; quy định về đăng ký tàu cá…
Qua kiểm tra cho thấy,các tàu cá được kiểm tra đều chấp hành tốt việc đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản và các giấy tờ pháp lý có liên quan. Được biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 512 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12 mét. 100% đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản, trong đó có 84 tàu cá đăng ký khai thác thuỷ sản chính thức và 428 tàu đăng ký khai thác thuỷ sản tạm thời.
Đến thời điểm này, TP Hạ Long đã xử lý 30 phương tiện vi phạm, trong đó có 10 phương tiện vi phạm lỗi không đăng ký tàu cá; 20 phương tiện vi phạm các lỗi: Khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác; sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tàng trữ ngư cụ cấm.
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác thủy sản trái phép này, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy hải sản trái phép trên biển tại vùng Vịnh, tuyến lộng thuộc phạm vi quản lý. Quảng Ninh cũng sẽ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bà con ngư dân trong khai thác hải sản trên biển. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm