Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản

Diendandoanhnghiep.vn Quảng Ninh là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng. Tuy nhiên, làm thế nào để việc quản lý, khai thác và sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao là rất cần thiết.

>>> Quảng Ninh: Tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Từ siết chặt...

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn Quảng Ninh được các cấp uỷ, chính quyền tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp; hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư trọng điểm...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Ngay những ngày đầu năm, tỉnh chỉ đạo siết chặt và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đất đai; tập trung rà soát quỹ đất tại những địa phương trọng điểm, các KCN, KKT, đô thị, các khu vực gắn với hệ thống giao thông động lực như: Quỹ đất hai bên tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều...

Trồng cây tại Khu vực mặt bằng +82 Đông Nam khai trường mỏ, Công ty CP Than Cọc Sáu (ảnh báo Quảng Ninh)

Trồng cây tại Khu vực mặt bằng +82 Đông Nam khai trường mỏ, Công ty CP Than Cọc Sáu (ảnh báo Quảng Ninh)

Từ năm 2022 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cho các tổ chức thuê 280,09ha đất; giao 891,22ha đất cho 41 tổ chức; gia hạn thời gian sử dụng 466,64ha đất cho 34 tổ chức; thu hồi 969,81ha đất của 18 tổ chức; thông báo hết hạn sử dụng đối với 28 tổ chức để hoàn thiện thủ tục gia hạn, trả đất theo quy định của pháp luật đất đai. Cùng với đó, tỉnh đã ký 60 hợp đồng cho thuê đất, bao gồm cả ký lại do điều chỉnh đơn giá thuê đất; phê duyệt giá đất cụ thể 35 dự án nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB và thu NSNN.

Trình HĐND tỉnh thông qua 4 nghị quyết về danh mục công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và hủy bỏ danh mục các dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất đã được thông qua quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng. Ngoài ra, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi một số nội dung của bảng giá đất trên địa bàn Quảng Ninh phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước và khai thác, sử dụng khoáng sản, điện năng, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 17 giấy phép lĩnh vực tài nguyên nước và 4 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền về lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước để triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp mặt bằng khu vực đồi tại thôn 7, xã Hải Tiến (TP Móng Cái) và khu vực đồi tại khu 7, phường Hải Yên (TP Móng Cái).

Đồng thời, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Sản xuất và Thương mại Than Uông Bí, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn, Công ty CP Thanh Tuyền Group, Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt các hồ, đập do đơn vị quản lý, khai thác; chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh điều chỉnh đề cương dự toán nhiệm vụ "Lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước tại các công trình hồ chứa, đập dâng, kênh thủy lợi".

Lực lượng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Công an phường và Công ty Than Uông Bí - TKV tiến hành kiểm tra tình hình ANTT tại khai trường của Công ty (ảnh báo Quảng Ninh)

Lực lượng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Công an phường và Công ty Than Uông Bí - TKV tiến hành kiểm tra tình hình ANTT tại khai trường của Công ty (ảnh báo Quảng Ninh)

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề cương và dự án Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng cát đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành điện), một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các KCN, CCN, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp. Dự án này góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương.

Còn từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã ban hành 2 quyết định cấp quyền thuộc lĩnh vực tài nguyên nước; trình Bộ TN&MT hướng dẫn UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất đá thải mỏ than Suối Lại. Đồng thời, tiếp tục triển khai các bước để gia hạn giấy phép các mỏ than: Tây Lộ Trí, Dân Chủ - Quảng La, Tây Bắc Ngã Hai, Cao Sơn, Mạo Khê; có phương án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ Nam Tràng Bạch; xây dựng kế hoạch và đề cương Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp đến năm 2025...

...đến tăng cường

Theo Trung tá Tạ Thanh Hải, Đội trưởng Đội năng lượng, tài nguyên và môi trường, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh cho biết: Tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ các cơ quan, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và môi trường... Chủ động phát hiện, ngăn chặn ý đồ, hoạt động lợi dụng hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường... nhằm gây phương hại đến an ninh, lợi ích quốc gia. Những nội dung này đã được lực lượng An ninh kinh tế thực hiện thường xuyên, có hiệu quả, thông qua công tác bám địa bàn, chủ động nắm thông tin cơ sở, phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đảm bảo ANTT tại địa bàn được giao quản lý.

Bảo đảm an ninh kinh tế, ANTT tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và môi trường là một trong những nhiệm vụ đã được lực lượng An ninh kinh tế, Công an tỉnh thực hiện xuyên suốt, liên tục. Đây cũng chính là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU, ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Than Uông Bí, cho biết: “Đảm bảo ANTT chính là tạo môi trường an toàn, ổn định, phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty. Chính vì thế, chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác này, thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Công an trong phòng, chống tội phạm. Chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng bảo vệ trong Công ty tiếp tục tăng cường kiểm soát phương tiện, người ra vào khai trường; thường xuyên phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát, canh gác bảo vệ an ninh trật tự, tài nguyên ranh giới mỏ đảm bảo an toàn.

Với 348 người, đóng vai trò nòng cốt trong đảm bảo ANTT tại Công ty, lực lượng bảo vệ được phân công trực ban khép kín 24/24h tại tất cả các khai trường; tổ chức chặt chẽ việc tuần tra, canh gác và kiểm soát người ra/vào đơn vị, xây dựng các phương án bảo vệ đơn vị, bảo vệ các mục tiêu do công ty quản lý như kho tàng, bến bãi. Với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, khi có bất kỳ vụ việc xảy ra, lực lượng bảo vệ của khu vực đó sẽ phong tỏa hiện trường, phối hợp với lực lượng Công an cơ sở lập biên bản, giải quyết dứt điểm các vụ việc, không để trở thành điểm “nóng”; thường xuyên nắm bắt thông tin để triển khai hiệu quả công tác phòng ngừa, giữ vững ANTT tại địa bàn. 

Trung tá Tạ Thanh Hải cho biết thêm: Mô hình đảm bảo ANTT tại Công ty Than Uông Bí không chỉ được thực hiện tại các khai trường, phân xưởng, mà còn phát huy hiệu quả ở các khu tập thể công nhân. Nhờ đó, tình hình ANTT khu vực này thời gian qua luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối, không có vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn Công ty quản lý, đặc biệt, không để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép, đúng như tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023) phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 và Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội để Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, tạo những nền móng mới cho phát triển KT-XH, siết chặt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.

Ông Cao Tường Huy kiểm tra phương án sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án, tại khu vực Cảng Làng Khánh (ảnh báo Quảng Ninh)

Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phương án sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án, tại khu vực Cảng Làng Khánh (ảnh báo Quảng Ninh)

Ngoài ra, tỉnh kiên quyết chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế qua các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc thực hiện sau kết luận thanh tra. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh và kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711634531 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711634531 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10