Quảng Ninh: Tập trung mọi nguồn lực phát triển nền kinh tế xanh

TRUNG THÀNH 12/06/2024 01:48

Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh được VCCI vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước, với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm.

>>>Quảng Ninh: Gỡ vướng để người lao động mua được nhà ở xã hội

Đây là những nỗ lực không ngừng nghỉ, kiên trì với việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh đã từng bước nằm trong nhóm địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia.

Xanh hóa từ doanh nghiệp...

Theo lãnh đạo Tập đoàn TKV: Quảng Ninh có nhiều hoạt động công nghiệp với nguồn phát thải ra môi trường lớn. Là đơn vị đóng vai trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hơn ai hết, TKV nhận thức rõ ràng trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu phát thải, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực, bảo vệ môi trường. 

Thời gian qua, TKV đã dành hàng nghìn tỷ đồng hoàn thành nhiều công trình, giải pháp, dự án bảo vệ môi trường. Trong đó, ưu tiên sử dụng trong sản xuất, nghiên cứu lựa chọn các công nghệ khai thác, chế biến, sàng tuyển theo hướng đồng bộ hóa các khâu; đầu tư các thiết bị vận chuyển hiện đại giảm phát thải ra môi trường; xây dựng các trạm xử lý nước thải mỏ; từng bước hoàn thành các mục tiêu “Đưa công viên vào trong mỏ nhà máy”; trồng cây xanh phủ xanh tại các khu vực kết thúc khai thác, đổ thải và dọc các tuyến đường vận tải…

KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đang được đầu tư, phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa, bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) đang được đầu tư, phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa, bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Thực hiện chủ trương của tỉnh và TKV, các đơn vị đã áp dụng triệt để các giải pháp bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như: Công ty Kho vận Đá bạc –TKV đầu tư dự án hệ thống sân bãi, bê tông, thoát nước và hồ môi trường khu vực cảng Điền Công, trồng gần 30.000 cây phi lao, keo, triển khai các hạng mục dự án hiện đại hóa cảng Điền Công…;

Công ty Tuyển than Cửa Ông thực hiện Đề án cải tạo cảnh quan môi trường Nhà máy tuyển và cảng Cửa Ông, sắp xếp mặt bằng sản xuất khu vực cảng chính Cửa Ông tại Phân xưởng Kho bến 2, trồng cây xanh trong mặt bằng các nhà máy tuyển than…

Bên cạnh hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh than, toàn tỉnh hiện có 6 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, 5 dự án hạ tầng CCN với nhiều nhà đầu tư thứ cấp đi vào sản xuất. Đến nay, các KCN đều đã xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung, gồm 15 mô đun, tổng công suất xử lý 71.400m3/ngày đêm; hoàn thành lắp đặt quan trắc môi trường tự động kết nối, truyền dữ liệu về Sở TN&MT quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ 24/24h; 100% dự án hạ tầng KCN đầu tư hệ thống thu gom, thoát nước mưa tách riêng với thu gom, thoát nước thải.

Ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long cho biết: Trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Quảng Ninh, chúng tôi luôn chú trọng trong việc bảo vệ môi trường vừa là từng bước thực hiện mục tiêu phát triển KCN sinh thái, vừa là thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự phát triển bền vững của tỉnh và địa phương.

Doanh nghiệp đã sớm đầu tư và đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung và hệ thống tuyến ống thu gom với tổng công suất 16.000m3. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất nhà máy xử lý nước thải lên 20.000m3 trong quý 4/2024.

Cùng với đó, doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành đầu tư hệ thống cây xanh trên phần diện tích được giao. Đặc biệt, Công ty thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, bền vững.

Máy phun sương dập bụi được lắp đặt trong khuôn viên sản xuất của Công ty Tuyển than Cửa Ông. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Máy phun sương dập bụi được lắp đặt trong khuôn viên sản xuất của Công ty Tuyển than Cửa Ông. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, cùng với Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, Công ty CP Xi măng Hạ Long là đơn vị được cấp phép phân loại, sử dụng phế thải công nghiệp và sinh hoạt làm nguyên liệu đốt lò trong sản xuất xi măng tại nhà máy, giảm thiểu các bãi chôn lấp chất thải TP Hạ Long và các địa phương trong tỉnh, từ đó, từng bước đầu tư vào công nghệ Hotdics (công nghệ sử dụng lò phản ứng theo phương pháp nhiên liệu thay thế).

...đến chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp

Giai đoạn trước năm 2012, khu vực công nghiệp - xây dựng của Quảng Ninh vẫn là lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế khi chiếm 52% cơ cấu kinh tế. Khi đó, tổng thu ngân sách địa phương đạt 20.000 tỷ đồng, trong đó thu từ than và đất chiếm tới gần 65% thu nội địa. Trong khi ngành kinh tế nhiều tiềm năng như du lịch chỉ chiếm 2,6%, chủ yếu từ thu phí tham quan Vịnh. Mặc dù, đóng vai trò chủ đạo đối với sự phát triển của tỉnh, nhưng khoáng sản là hữu hạn, đi cùng với đó là nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Một trong những mục tiêu mà tỉnh đặt ra khi thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” là giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sáng tạo, Quảng Ninh đã phát triển thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp của cả nước và quốc tế. Để du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, tỉnh đã đầu tư, kêu gọi đầu tư hàng loạt những công trình, dự án trọng điểm, hiện đại tạo lực đẩy cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn đặt vấn đề môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là yêu cầu sống còn, điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.

Với những định hướng đó, tỉnh có nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hoàn thành, nhiều chỉ tiêu về môi trường đã đạt hoặc vượt kế hoạch, điển hình là 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đạt 98%... Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đã ban hành và tổ chức triển khai Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường và Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về sử dụng vật liệu phao nổi trong nuôi trồng thủy sản...

Khu vực hồ điều hòa cảng Điền Công của Công ty Kho vận Đá bạc –TKV. Ảnh: Hoàng Yến

Khu vực hồ điều hòa cảng Điền Công của Công ty Kho vận Đá bạc –TKV. Ảnh: Hoàng Yến

Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường định kỳ, chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước biển ven bờ, môi trường đất và trầm tích của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; ô nhiễm môi trường đã cơ bản được kiểm soát. 

Tháng 5/2024, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước.

Đây cũng là lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng đầu bộ chỉ số danh giá này sau 1 năm chính thức VCCI tổ chức công bố. Việc đứng đầu cả nước về PGI là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực của Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường. Chỉ số này là đánh giá khách quan của cả cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng quản trị môi trường tới chính quyền các cấp.

Ông Phạm Ngọc Thạch - Phó Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: Qua theo dõi cho thấy, Quảng Ninh xứng đáng với vị trí dẫn đầu PGI bởi đã có sự quyết tâm, quyết liệt và mạnh mẽ trong việc ứng xử với môi trường. Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục thực hiện tốt hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, thực thi pháp luật nghiêm túc, giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tư, xây dựng, vận hành, song tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Trong đó, chú trọng thu hút các dự án đầu tư kinh doanh có trách nhiệm, xây dựng các tiêu chí đánh giá dự án đầu tư ở địa phương với trọng tâm là sàng lọc; phổ biến thông tin hiệu quả tới cộng đồng doanh nghiệp các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.

Quan trọng nhất, Quảng Ninh cần tổ chức triển khai bộ chỉ số tới từng đơn vị có liên quan, gắn với trách nhiệm vụ thể người đứng đầu. Đây cũng là động lực để Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, “xanh hóa” mô hình sản xuất kinh doanh, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Thêm nhiều hành trình mới tham quan vịnh Hạ Long và Bái Tử Long

    Quảng Ninh: Thêm nhiều hành trình mới tham quan vịnh Hạ Long và Bái Tử Long

    01:02, 10/06/2024

  • Quảng Ninh: Gỡ vướng để người lao động mua được nhà ở xã hội

    Quảng Ninh: Gỡ vướng để người lao động mua được nhà ở xã hội

    03:00, 06/06/2024

  • Quảng Ninh: Móng Cái trở thành trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu

    Quảng Ninh: Móng Cái trở thành trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu

    09:49, 03/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Tập trung mọi nguồn lực phát triển nền kinh tế xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO