Quảng Ninh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, và có lẽ đây chính là thời điểm thích hợp để thanh niên nơi đây khởi nghiệp, rèn nghề, bắt đầu đặt nền móng cho một sự phát triển bứt tốc trong tương lai.
>>>Quảng Ninh: Thanh niên 9x làm giàu từ cây cam Vạn Yên
Từ đồng hành...
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Hoàng Văn Hải chia sẻ: Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn. Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng tư vấn về nghề nghiệp, việc làm. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, khởi nghiệp hiệu quả, tạo điều kiện cho thanh niên vươn lên làm giàu.
Anh Phùn Tắc Sếnh - xã Phong Dụ - huyện Tiên Yên là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó vươn lên. Đầu năm 2021, nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi gà Tiên Yên, anh đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi gà. Được sự đồng hành và tư vấn của Đoàn Thanh niên xã, anh tham gia các lớp tập huấn nuôi gà thương phẩm và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh của tổ chức Đoàn. Đến nay với khoảng 1.500 con gà được xuất bán mỗi năm, gia đình anh có thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm.
Anh Sếnh cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, tôi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật… Vì thế mô hình nuôi gà của gia đình phát triển thuận lợi, cuộc sống khấm khá hơn. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, liên kết với các đơn vị, tổ chức để bao tiêu sản phẩm, hướng tới mục tiêu lập nghiệp bền vững hơn.
Theo lãnh đạo huyện Tiên Yên: Trên địa bàn huyện Tiên Yên hiện có 116 mô hình phát triển kinh tế do đoàn viên thanh niên làm chủ, chủ yếu thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí, dịch vụ… Để hỗ trợ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện Đoàn đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp. Trong đó, duy trì hoạt động của CLB thanh niên khởi nghiệp và triển khai các chương trình hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển sản xuất.
Năm 2022, Huyện Đoàn đã phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho trên 1.800 thanh niên; xây dựng mới 22 mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên; hỗ trợ 119 đoàn viên thanh niên hoàn thiện hồ sơ vay vốn (tổng vốn vay trên 5 tỷ đồng).
Theo chị Bùi Thị Vui - xã Hiệp Hòa - TX Quảng Yên: Cơ sở giết mổ lợn liên hoàn của chị Vui được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Lúc mới thành lập với quy mô nhỏ hẹp, thiết bị, dụng cụ giết mổ thủ công, đơn sơ. Để động viên và kịp thời định hướng, hỗ trợ, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo Thị Đoàn Quảng Yên hỗ trợ chị Vui kết nối với Ngân hàng CSXH vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm; đồng thời tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vấn đề bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thu gom, xử lý nước thải trong quá trình vận hành cơ sở giết mổ.
Đến nay chị Vui đã nâng cấp cơ sở giết mổ lợn của mình lên quy mô lớn, sử dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, đầy đủ hệ thống thu gom và xử lý nước thải theo quy định, đảm bảo veek sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong quá trình giết mổ. Mỗi ngày cơ sở của chị Vui giết mổ 30-35 con lợn, thu nhập ổn định, đảm bảo đời sống.
Theo lãnh đạo tỉnh Đoàn Quảng Ninh: Thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã tập trung hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên, gắn với phát triển sản phẩm chủ lực của các địa phương. Năm 2022 toàn Đoàn đã phối hợp, khai thác hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác qua Ngân hàng CSXH đạt 383 tỷ đồng. Tổ chức 75 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hỗ trợ 16 mô hình thanh niên làm kinh tế. Tổ chức 32 hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp.
Cùng với đó, phát huy hiệu quả hoạt động của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh và các địa phương, khối trường học, các HTX thanh niên... trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ, vận động đoàn viên thanh niên tích cực khởi nghiệp, lập nghiệp với 15 hoạt động hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp được tổ chức thành công. Đoàn cấp huyện tổ chức 835 hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ năng, giới thiệu việc làm cho 30.177 đoàn viên thanh niên.
Các phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Đây là động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục rèn luyện, mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương.
...đến hỗ trợ
Khởi nghiệp cách đây khoảng 10 năm chỉ với một xưởng sản xuất nhỏ, đến năm 2017 anh Nguyễn Văn Minh đã thành lập Công ty TNHH Nội thất Minh décor - thị trấn Cái Rồng. Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ trong kinh doanh, đến nay tổng vốn đầu tư của Công ty đạt trên 10 tỷ đồng, doanh thu 12-13 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài trụ sở chính tại Vân Đồn, Công ty có Văn phòng đại diện tại TP Hạ Long và một cơ sở sản xuất tại Thủ đô Hà Nội.
Không sản xuất nội thất đại trà, Công ty tập trung vào nội thất bar, karaoke, cửa inox chống cháy. Sự khác đã tạo nên thương hiệu riêng, giúp Minh décor đứng vững trên thị trường. Giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp lao đao vì tiêu thụ sản phẩm, anh Minh và các cộng sự đã nắm rất chắc cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế, Công ty đã xuất được nhiều chuyến hàng sang Nhật bản.
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, thiết kế và sản xuất nội thất, nhưng tại xưởng của Công ty không nghe thấy tiếng hàn sì, bởi ứng dụng các công nghệ mới như cắt laser chấn inox... Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng mua máy chấn, nẹp tạo hình inox, máy hàn laser, mạ màu inox.
Là thành viên tích cực của CLB Đầu tư khởi nghiệp huyện Vân Đồn, anh Minh nhận được nhiều sự quan tâm CLB. Thăm xưởng sản xuất của anh Minh, anh Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng Vân Đồn - Chủ tịch CLB Đầu tư và khởi nghiệp huyện Vân Đồn, đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong quá trình kinh doanh, đưa ra những góp ý làm thế nào để tận dụng được tối đa công suất của các loại máy móc, ý tưởng gia công các sản phẩm gia dụng thông thường từ những mảnh inox thừa sao cho không lãng phí...
Cho rằng mình vẫn đang ở giai đoạn 2 của quá trình khởi nghiệp với những thành công bước đầu, anh Minh chia sẻ: "Trước đây, muốn đề đạt nguyện vọng, phát biểu ý kiến gì cũng ngại, hoặc không biết phải kết nối với ai. Từ khi tham gia CLB, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ không phải bằng tiền. Đó là mối quan hệ, là sự tự tin, là những tư vấn bổ ích về cơ chế, chính sách, là cơ hội marketing mà không phải bỏ tiền ra là có".
"Được thành lập năm 2020, là một CLB còn khá non trẻ tại địa phương, nhưng CLB Đầu tư và khởi nghiệp huyện Vân Đồn đã thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp khởi nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là cơ hội cho thanh niên tự tin, mạnh dạn hơn, có nhiều cơ hội trong kinh doanh; thanh niên khởi nghiệp được tham gia vào các hoạt động xã hội" - Chủ tịch CLB Đầu tư và khởi nghiệp huyện Vân Đồn cho biết.
Đoàn viên thanh niên, học sinh huyện còn được tư vấn, hỗ trợ trong nghề nghiệp, việc làm từ các cấp bộ đoàn trong chương trình "Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp", thông qua nhiều hình thức trực tuyến/trực tiếp. Huyện Đoàn phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ, động viên thanh niên nông thôn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất thông qua nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH. Đến nay có 37 hộ thanh niên, hộ gia đình được giúp đỡ thoát nghèo.
Các cấp bộ đoàn và chính quyền địa phương đã hỗ trợ triển khai 19 dự án khởi nghiệp. Vận động thành lập 30 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Vận động thanh niên liên kết sản xuất kinh doanh, trao đổi kinh nghiệm làm giàu chính đáng, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có thể bạn quan tâm