“Doanh nghiệp với cuộc cách mạng 4.0” là chủ đề của phiên cafe doanh nhân do Sở Thông tin truyền thông Quảng Ninh phối hợp với Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức ngày 2/3.
Chủ đề này thu hút sự quan tâm tham dự của Vụ Thông tin truyền thông, Học viện Bưu chính viễn thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp trên địa bàn tham dự.
Thông qua Chương trình, các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những cơ hội và thách thức để chủ động sẵn sàng về năng lực, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh tại đơn vị, doanh nghiệp; có cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp tiêu biểu đã và đang triển khai thành công các sản phẩm, giải pháp cung ứng trên thị trường toàn quốc, trên địa bàn tỉnh trong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; có cơ hội để kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, sản phẩm công nghệ thông tin tiêu biểu. Đồng thời được giải đáp các vướng mắc, khó khăn và đề xuất các kiến nghị của đơn vị với Tỉnh các nội dung này.
Tại phiên café, ông Nguyễn Đức Long, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ sự trăn trở của mình về việc làm thế nào để kịp thời nắm bắt, tận dụng triệt để sức mạnh, cơ hội của cuộc cách mạng này nhằm tăng tốc phát triển kinh tế, doanh nghiệp, xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, nông thôn mới, phát triển xã hội hài hoà, bền vững.
Để đáp ứng các mô hình phát triển mới, chuyển dịch kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, ông Long cho biết sẽ đặc biệt ưu tiên nguồn lực đầu tư tạo sự phát triển bứt phá về hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống thông tin ứng dụng theo công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, blockchain, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, di động hóa...) thời gian tới.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin chia sẻ về các xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp; giải pháp về công nghệ ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đáp ứng yêu cầu xu thế phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT trên cơ sở tạo sự gắn kết giữa Cơ quan nhà nước - Cơ sở đào tạo CNTT - Doanh nghiệp về CNTT.
PGS.TS Đặng Hoài Bắc, PGĐ Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng Quảng Ninh rất cần hạ tầng nền tảng IOT để phát triển chính quyền điện tử. Có hạ tầng nền tảng, doanh nghiệp cũng dễ dàng kinh doanh hơn. Có hạ tầng nền tảng, chỉ trong vòng lộ trình 5 năm tới Quảng Ninh sẽ có một hệ sinh thái IOT (Internet Of Things- Kết nối để hợp tác). Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống như: Du lịch, giao thông thông minh, kinh tế thông minh, nông nghiệp thông minh, giúp đảm bảo an ninh thông tin, vận hành logistics, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Trong khuôn khổ phiên café doanh nhân, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh và Công ty Cổ phần VNG đã ký kết thỏa thuận hợp tác, chính thức công bố tiện ích ứng dụng Zalo trong công tác truyền thông về Quảng Ninh và trong dịch vụ Chính quyền điện tử của tỉnh do hai đơn vị phối hợp phát triển trong thời gian qua. Ngay tại Lễ ký kết, các tiện ích ứng dụng Zalo trong công tác truyền thông về Quảng Ninh và trong dịch vụ Chính quyền điện tử của tỉnh đã sẵn sàng để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Zalo hiện đang là kênh thông tin liên lạc được người dân sử dụng phổ biến. Việc ký kết hợp tác với Zalo là một bước tiến trong việc cải cách hành chính, rút gọn các bước làm thủ tục hồ sơ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho người dân tỉnh Quảng Ninh, đồng thời là một kênh giao tiếp tương tác với người dân hiệu quả.
Qua ứng dụng Zalo, người dân, doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc làm thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước; thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đồng thời sẽ được tiếp cận các thông tin hữu ích về các chủ trương, chính sách cũng như những thông báo khẩn cấp, hữu ích liên quan đến tình hình bão lũ, dịch bệnh, cách hướng dẫn phòng tránh,… Điều quan trọng là các thông tin này đều được miễn phí.
Có thể bạn quan tâm