Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường du lịch đang chứng kiến sự bùng nổ, lên ngôi của xu hướng kinh doanh trực tuyến. Và Quảng Ninh là minh chứng sinh động cho điều này.
Cơ hội quảng bá xúc tiến hiệu quả
Theo báo cáo của Sở Du lịch, 10 tháng năm 2018, ước tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt trên 10,7 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 89% kế hoạch năm. Trong đó, du khách quốc tế ước đạt trên 4 triệu lượt, tăng 19% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 19.000 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Đây là những con số ấn tượng, cho thấy sự “bùng nổ” của du lịch Quảng Ninh trong năm 2018. Và không quá khi nói rằng, góp phần cho sự thành công đó chính là cuộc cách mạng mang tên 4.0.
Nếu như trước kia, để quảng bá, giới thiệu, phát triển điểm đến, các đơn vị sẽ phải mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí để quảng cáo trên các kênh truyền thống như báo chí, truyền hình, đài phát thanh, tờ rơi... hay phải đến tận nơi giới thiệu các tour.
Tuy nhiên giờ đây, Internet giúp tất cả mọi người trên thế giới đều có thể dễ dàng truy cập và tìm hiểu những danh lam thắng cảnh, những địa điểm vui chơi trên toàn thế giới, nhờ đó kích thích nhu cầu đi du lịch và là cơ hội mở rộng thị trường du lịch.
Ngoài ra, chi phí quảng cáo, tiếp thị, cũng như thời gian dành cho quảng bá đã giảm đi rất nhiều. Tất cả đều đến từ những lợi thế mà công nghệ 4.0 đã mang lại.
Với sự phát triển đó, Laptop hay smartphone giờ đây trở thành vật dụng không thể thiếu đối với bất kì ai, đặc biệt là những người thích đi du lịch.
Sớm nắm bắt điều này, Quảng Ninh đã cho ra đời các trang Fanpage về du lịch.
Với những lợi thế từ cảnh quan, tỉnh này đã có hàng loạt hình ảnh, clip, những lời chia sẻ đủ sức hút với những tín đồ thích “xách balo lên và đi”. Chỉ cần lên google gõ du lịch Quảng Ninh, là đã có hàng ngàn thông tin với hàng loạt cảnh đẹp, điểm đến cho du khách lựa chọn.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 20/11/2018
07:30, 17/11/2018
21:00, 16/11/2018
Ông Đoàn Văn Dũng, Giám đốc công ty Du thuyền Đông Dương chia sẻ, nếu không biết tận dụng 4.0 chúng ta sẽ thất bại. Nếu bạn làm tốt việc tương tác với hàng triệu người trên thế giới này qua những bức hình, bài viết hay được “share”, “like” qua Facebook, bạn có thể nhanh chóng tạo thành hiệu ứng đám đông, nhanh chóng gây dựng thương hiệu cho điểm đến”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, thời gian qua các điểm kinh doanh du lịch như Làng du lịch Yên Đức, Đông Triều, Làng chài Vông Viêng trên vịnh Hạ Long có rất nhiều khách lựa chọn.
“Chủ yếu là khách Âu, Mỹ, vì họ rất thích trải nghiệm khám phá văn hóa các vùng miền và tất nhiên khi họ tìm kiếm được điều này trên mạng họ sẽ đến với chúng ta”, ông Dũng nhấn mạnh.
Vẫn còn những tồn tại
Bên cạnh đó, các khách sạn, homestay, nhà hàng cũng “phất” mạnh nhờ 4.0. Bởi nó mang đến sự linh hoạt trong hệ thống đặt phòng, khi du khách có thể booking trên cả nền tảng web và mobile app, với sự lựa chọn đa dạng, theo đúng nhu cầu của khách hàng.
Đại diện Homestay T&N cho biết, việc quảng bá mạnh sự độc đáo về mô hình Homestay container thông qua hình ảnh, clip, cùng với những cảm nhận của du khách trên các trang fanpage và diễn đàn du lịch đã giúp các homestay thu hút khách du lịch đặc biệt là giới trẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mạnh lớn mang lại, việc áp dụng CMCN 4.0 vào phát triển du lịch Quảng Ninh vẫn còn những tồn tại nhất định. Có thể kể đến việc quản lý các trang fanpage, quảng bá về du lịch như thế nào, làm sao để du khách biết được đó là những quảng cáo an toàn, đáng tin cậy?
Bởi trước đó đã xảy ra 2 vụ việc khách du lịch đặt tuor đến Quảng Ninh, đặt tàu để tham quam vịnh Hạ Long, nhưng khi đến thì hốt hoảng vì không có lịch trình cũng như tàu du lịch như đã đặt.
Như vậy, việc xây dựng du lịch Quảng Ninh thành một thương hiệu đáng đến và an toàn, thì những tồn tại trên rõ ràng là một thách thức đòi hỏi các nhà quản lý tỉnh này sớm có giải pháp hiệu quả.