Tỉnh Quảng Ninh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng tỉnh tạo đột phá trong phát triển doanh nghiệp, phấn đấu năm 2024, toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh ngăn chặn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong dịp Tết
>>>Quảng Ninh: Nhiều hoạt động hấp dẫn "hút" khách vui xuân, đón Tết
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới đây.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, với quan điểm, doanh nghiệp có phát triển thì tỉnh mới phát triển; an sinh xã hội, đời sống, việc làm của người dân, người công nhân mới đảm bảo… Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành cùng doanh nghiệp. Năm 2023 dù gặp nhiều khó khăn, song tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một trong 3 địa phương cả nước đạt mục tiêu phát triển toàn diện; giữ được đà tăng trưởng GRDP trên hai con số năm thứ 9 liên tiếp. Trong kết quả đó, không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn, ý nghĩa của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Được biết, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh có 2.731 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 34.196 tỷ đồng, tăng 3,7% về số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 38,8% về vốn đăng ký so với năm 2022. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có gần 17.200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với vốn đăng ký đạt 361.026 tỷ đồng.
Để các doanh nghiệp nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng ưu tiên, hỗ trợ các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp khai thác khoáng sản, dịch vụ, du lịch…
Từ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thương mại điện tử... Cùng với đó chủ động cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu thay thế và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, năm 2023 là năm đầu tiên HĐND tỉnh Quảng Ninh tổ chức gặp mặt, tiếp xúc cử tri chuyên đề, chuyên sâu với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã để lắng nghe, giải quyết các vấn đề khó khăn. Ngay sau đó đã có một nghị quyết chuyên đề để góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tỉnh Quảng Ninh đã lắng nghe, giải quyết, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp…
“Tỉnh Quảng Ninh luôn trân trọng những nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp đã vượt khó, tìm được điểm tương đồng với mong muốn của chính quyền để cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh có sự phát triển bền vững”, ông Ký cho biết thêm.
Đặt mục tiêu lớn cho năm 2024
Được biết, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 10,90%; thu ngân sách nhà nước đạt 55.600 tỷ đồng, trong đó: Thu ngân sách nội địa đạt 42.600 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu đạt 13.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP từ quý I đến quý IV sẽ tăng tương ứng là: 8,47%; 9,15%; 10,86%; 14,08%. Đặc biệt, địa phương này phấn đấu thành lập mới trên trên 2.000 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 20.000 doanh nghiêp.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển bền vững doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trên quan điểm lấy đầu tư công để thúc đẩy, kích hoạt các nguồn vốn đầu tư ngoài xã hội, thúc đẩy hợp tác công - tư, nội lực là cơ bản, chiến lược - ngoại lực là quan trọng, đột phá; dựa vào thiên nhiên, con người và văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại…
Cũng theo ông Ký, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh cùng tỉnh tạo đột phá trong phát triển doanh nghiệp. Trong đó, phấn đấu năm 2024, toàn tỉnh có 20.000 doanh nghiệp.
Còn theo ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đem lại giá trị gia tăng cao, đóng góp cho tỉnh Quảng Ninh và cả nước.
Đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần nêu cao tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả. Đồng thời, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…
Về phía các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh Quảng Ninh phải tiếp tục đổi mới tư duy, cách làm, hành động quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh; kinh doanh hiệu quả, vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay.
“Đúc rút những bài học kinh nghiệm từ quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh cam kết luôn đồng hành và liên tục đổi mới trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Huy cho biết.
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đồng hành, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư; cùng trăn trở, trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, vào cuộc thực chất, hiệu quả đối với từng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đặc biệt, cụ thể hóa các quan điểm, giải pháp nêu trong Nghị quyết 41-NQ/TW, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng, phát huy đội ngũ doanh nhân với các tiêu chí ở Quảng Ninh.
Có thể bạn quan tâm