Quảng Trị: Chạm vào giấc mơ “mở cửa bầu trời”

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 06/07/2024 03:30

Nếu tất cả dự án đều lấy chi phí ban đầu làm hệ quy chiếu thì chẳng nơi nào trên đất nước này có nổi một công trình thế kỷ. Sân bay Quảng Trị cũng sẽ hướng tới tương lai tính bằng thập kỷ.

Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tạo thêm sức hút đầu tư, thương mại, vận tải

Cảng hàng không Quảng Trị sẽ tạo thêm sức hút đầu tư, thương mại, vận tải (Ảnh: T&T)

>>“Đánh thức” kinh tế lâm nghiệp Quảng Trị

Hơn 15 năm ấp ủ, cảng hàng không Quảng Trị đã chính thức đặt “nhát cuốc” đầu tiên vào ngày 6/7, mong muốn được “đi nhanh về sớm” của 0,63 triệu người sắp thành hiện thực - với triển vọng kinh tế, sân bay sẽ “mở cửa bầu trời” đón thêm luồng sinh khí tăng trưởng phát triển mới.

Từ khi tái khởi động dự án trong nhiệm kỳ này, sân bay Quảng Trị đối diện với không ít quan điểm, bên cạnh những phân tích khoa học, còn có cái nhìn trực quan cảm tính. Nhưng tựu trung lại vấn đề hóc búa nhất là “tính kinh tế”.

Sân bay này sẽ hoạt động ra sao? Lưu lượng hành khách có xứng với số tiền khổng lồ gần 6.000 tỷ đồng bỏ ra? Trong bán kính 100km về phía Nam có sân bay quốc tế Phú Bài, phía bắc có Đồng Hới - sân bay Quảng Trị còn cần thiết?

Tất nhiên, đấy chỉ là giả thiết. Và ý nghĩa của dư luận là đóng góp tiếng nói phản biện có giá trị giúp các nhà hoạch định, chủ đầu tư có thêm dữ liệu để nghiên cứu đánh giá tiền khả thi về dự án này.

Không ai có thể tự chứng minh sự hiệu quả bằng lý thuyết thuần túy về một dự án kinh tế có tính đặc thù điển hình như cảng hàng không. Nói cách khác - như một cuộc khởi nghiệp, không đi ắt không đến, không làm sẽ không có cơ hội hưởng thụ hương vị thành công.

Trong rất nhiều khó khăn của Quảng Trị có nguyên nhân “hạ tầng yếu và thiếu”, hàng không “sinh sau đẻ muộn”, đường biển thiếu “sếu đầu đàn”, đường bộ ngắn và nhỏ hẹp. Rất nhiều nhà đầu tư đến tìm cơ hội rồi lẳng lặng ra đi!

Với doanh nhân, thời gian là tiền bạc, rất nhiều nhà đầu tư than phiền, nếu đặt nhà máy hoặc chi nhánh sản xuất, điều hành lớn tại Quảng Trị, họ mất nhiều hơn về chi phí thời gian. Từ Hà Nội đến TPHCM mất khoảng 2h10 phút, trong khi từ Hà Nội đến Quảng Trị bằng 1/2 quảng đường nhưng chi phí thời gian tương đương hoặc dài hơn.

Cảng hàng không sẽ giải quyết triệt để mâu thuẫn trong câu chuyện giao thông. Thay vì trung chuyển đến Huế và Quảng Bình, giờ đây người dân, doanh nghiệp có thể bay thẳng từ các trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn từ hai đầu đất nước đến Quảng Trị trong vòng 90 phút!

Người Quảng Trị muốn đi máy bay phải tay xách nách mang gần 100km đến Phú Bài, với rất nhiều trạm trung chuyển. Nếu điểm đến là các tỉnh không có sân bay như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước,…quả thực là hành trình đầy gian nan.

Với những lý do đó, việc Quảng Trị có sân bay chẳng khác gì mở thêm con đường cái quan hiện đại, cung cấp giải pháp để kích thích một trong “tứ đại nhu cầu” của con người.

Quảng Trị đã công bố tầm nhìn quy hoạch mới

Quảng Trị đã công bố tầm nhìn quy hoạch mới (Ảnh: baochinhphu.vn)

>>Làm thế nào để giải bài toán “lấp đầy” khu công nghiệp ở Quảng Trị?

Với kinh tế, đảm bảo nguyên tắc “hạ tầng đi trước một bước”. Ngày xưa là “điện, đường, trường, trạm” thì nay là cao tốc, cảng nước sâu, sân bay lớn, nhà ga hiện đại. Thế kỷ trước chỉ kết nối vùng miền nội địa, ngày nay đòi hỏi mở ra khu vực và quốc tế.

Hạ tầng tốt luôn hấp dẫn nhà đầu tư, chẳng có địa phương nào giàu lên mà đường sá, cầu cống nhỏ hẹp. Nhưng nếu nhìn hạ tầng là thứ có thể hái ra tiền ngay tức khắc là sai lầm. Bài học tại nhiều địa phương cho thấy, đầu tư cho hạ tầng là tích lũy tiềm lực cho tương lai nhiều thập kỷ tới.

Đà Nẵng, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương từng có những khu đô thị, khu công nghiệp, công nghệ “chờ sẵn”, Vũng Tàu rất nhiều con đường khang trang thênh thang có từ chục năm nay giờ mới phát huy tác dụng.

Nếu tất cả dự án đều lấy chi phí ban đầu làm hệ quy chiếu thì chẳng nơi nào trên đất nước này có nổi một công trình thế kỷ. Sân bay Quảng Trị cũng sẽ hướng tới tương lai tính bằng thập kỷ.

Dĩ nhiên, xác xuất thành công về mặt kinh tế không phải lúc nào cũng là 100%. Song những đóng góp về mặt xã hội, an ninh quốc phòng là không thể bàn cãi. Chí ít cũng vẽ ra bản quy hoạch và xác định vạch xuất phát cho bước ngoặt thay đổi thế và lực địa phương.

CHK Quảng Trị được xây dựng tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Dự án có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II. Có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách/năm và 25.500 tấn hàng hóa/năm.Dự kiến đến tháng 7/2026, cảng hàng không này sẽ được đưa vào khai thác.

Cuối tháng 12/2023, tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo phương thức PPP cho Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T (thành viên của T&T Group) và Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4.

Theo ông Đỗ Quang Hiển, Nhà sáng lập, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T Group: “Tập đoàn dành rất nhiều tâm huyết cho mảnh đất Quảng Trị. T&T Group cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành CHK Quảng Trị, đưa dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương; đồng thời trở thành cầu nối gắn kết, kết nối nhân dân cả nước hướng về vùng đất thiêng Quảng Trị”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế La Lay – Quảng Trị tăng cao

    Hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế La Lay – Quảng Trị tăng cao

    11:00, 11/06/2024

  • Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”

    Đầu tư công Quảng Trị: Nhiều nơi “bất động”

    15:13, 07/05/2024

  • Quảng Trị: Sẵn sàng cung ứng điện cho công nghiệp

    Quảng Trị: Sẵn sàng cung ứng điện cho công nghiệp

    06:42, 23/04/2024

  • Sở Xây dựng Quảng Trị: Cùng doanh nghiệp phát triển

    Sở Xây dựng Quảng Trị: Cùng doanh nghiệp phát triển

    06:07, 23/04/2024

  • Quảng Trị: Nỗi oan khuất của một con đường

    Quảng Trị: Nỗi oan khuất của một con đường

    05:00, 23/04/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Trị: Chạm vào giấc mơ “mở cửa bầu trời”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO