Vì các nguyên nhân về nguồn vốn, địa hình, quy định,... khiến hạ tầng các cửa khẩu tại tỉnh Quảng Trị đến nay vẫn chưa phù hợp với các nhu cầu của doanh nghiệp.
>>Quảng Trị: “Chiếc áo” nay đã… chật ở Cửa khẩu Quốc tế La Lay!
Tỉnh Quảng Trị có 2 cửa khẩu quốc tế (CKQT) là Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) và La Lay (huyện Đakrông) mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội và kết nối du lịch. Tuy vậy, đến nay địa phương mới chỉ hình thành nên một khu kinh tế Lao Bảo, còn khai tại La Lay vẫn chỉ đang trong quá trình hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu.
Một vấn đề đang được quan tâm hiện nay là cơ sở hạ tầng tại 2 khu vực này hiện vẫn đang còn nhiều trục trặc, chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Cụ thể hơn là chưa thể cung ứng đầy đủ dịch vụ cho doanh nghiệp trong việc lưu thông hàng hóa.
Ghi nhận trong một ngày giữa tháng 10, tại CKQT La Lay vẫn đang trong tình trạng chưa hoàn thiện khu vực dùng chung. Đến nay, Hải quan vẫn đang dùng 1 cổng cho cả hoạt động xuất và nhập khẩu. Cổng còn lại đang trong quá trình hoàn thiện và bãi hạ tải, đường dẫn,...cũng trong cảnh nham nhở chờ được tiếp tục đầu tư.
Trong khi đó, tại khu kinh tế (KKT) Lao Bảo được đầu tư cơ bản đầy đủ và đi vào hoạt động ổn hơn. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại về bãi xuất khẩu, hạ tải để doanh nghiệp hoạt động.
Việc này khiến nhiều đơn vị thắc mắc đến câu chuyện phí hạ tầng tại các cửa khẩu vẫn thu nhưng các tiện ích lại trong cảnh thiếu và yếu. Từ đó, có những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động lưu thông, sang hàng,... cho doanh nghiệp.
Thông tin về các tồn tại hiện hữu, ông Trương Khắc Nghi – Phó Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cũng nhìn nhận còn nhiều bất cập giữa phát triển hạ tầng và lưu lượng phương tiện tại các cửa khẩu. Đặc biệt tại là La Lay vừa được nâng cấp thành CKQT từ năm 2014, từ đó mới nhận được sự quan tâm về hạ tầng.
Ông Nghi cũng cho rằng tuyến Quốc lộ 15D dẫn lên CKQT La Lay hiện nay quá nhỏ nên việc lưu thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn và nhà kiểm soát vẫn đang còn hiện trạng. Sau khi được nâng cấp thành CKQT, La Lay đã có một Đề án về phát triển hạ tầng do UBND tỉnh Quảng Trị trình Trung ương.
“Tuy nhiên vì sự khó khăn của nguồn vốn ngân sách nên việc đầu tư hạ tầng cũng gặp nhiều vướng mắc. Tỉnh đã phê duyệt quy mô dự án nâng cấp với nguồn kinh phí 488 tỷ đồng, sau khi phê duyệt đã cân đối vào vốn trung hạn trong 5 năm”, ông Nghi cho hay.
Cũng theo ông Trương Khắc Nghi, với địa hình phức tạp nên đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh trước mắt phải tập trung đầu tư vào trung tâm cửa khẩu để phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, khi đó CKQT chỉ đón lượng phương tiện khá ít, khoảng 50 phương tiện/ngày chủ yếu là các mặt hàng nông sản từ Lào.
Đến năm 2022, CKQT La Lay mới trở nên sôi động vì có mặt hàng than tăng đột biến và UBND tỉnh Quảng Trị đã phải tận dụng nhiều khoảng trống dùng làm bãi chờ nhập, đỗ xe tránh ùn tắc. Theo kế hoạch, thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ trình phương án kiên cố hóa bãi chờ nhập với nguồn kinh phí khoảng 170 tỷ đồng.
Theo ông Trần Minh Phú - Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Quảng Trị hiện nay địa phương mới chỉ đầu tư được 213 tỷ đồng cho các hạ tầng cư bản. Phần còn lại, ông Phú cho hay vì khó khăn về nguồn vốn nên chưa có điều kiện để tiếp tục triển khai.
“Địa phương cũng đã tính đến việc kêu gọi xã hội hóa nhưng vì địa hình quá khó khăn nên không doanh nghiệp nào lựa chọn đầu tư”, ông Phú cho biết.
Thông tin từ ông Phú, tổng mức thu phí tại CKQT La Lay không bằng một nửa tại Lao Bảo. Cụ thể trước đó mỗi năm tại La Lay chỉ thu hơn 1 tỷ đồng về phí hạ tầng, từ năm 2022 khi các phương tiện vận tải than nhiều mới nâng lên được gần 3 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước 65%. Số còn lại sẽ được sử dụng để chi trả chi phí hoạt động của các đơn vị.
Đối với Khu kinh tế Lao Bảo, ông Trương Khắc Nghi cho rằng vấn đề doanh nghiệp “phàn nàn” về hạ tầng là chính xác. Theo ông Nghi, trước đó CKQT Lao Bảo hoạt động theo phương thức 1 cửa, 1 làn dừng và hàng sang nước nào thì nước đó kiểm tra.
“Tuy nhiên sau này hoạt đông trên đã dừng thực hiện và hiện tại Lao Bảo đang thiếu bãi xuất. Vì vậy, đã có đề xuất dự án đầu tư bãi xuất khẩu tại đây với tổng mức kinh phí 91 tỷ đồng”, ông Nghi nói.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, việc đầu tư hạ tầng cần được chú trọng và triển khai sớm hơn để đáp ứng nhu cầu của bối cảnh. Các doanh nghiệp muốn hạ tầng phù hợp, các dịch vụ phụ trợ đầy đủ để không lâm vào cảnh đợi chờ nơi cửa khẩu. Bởi lẽ, thời gian chờ càng lâu thì số kinh phí thiệt hại càng “đội” cao.
Có thể bạn quan tâm
“Bấp bênh” thông quan cửa khẩu Bắc miền Trung
14:58, 17/10/2023
Tỉnh Quảng Bình nói gì về phương tiện quá tải trọng qua cửa khẩu Cha Lo?
00:06, 17/10/2023
Phí hạ tầng vẫn thu nhưng khó nâng cấp được hạ tầng cửa khẩu Cha lo - Quảng Bình?
03:32, 15/10/2023
“Đìu hiu” Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang
02:39, 17/08/2023
Cửa khẩu quốc tế La Lay - Quảng Trị: Bao điều muốn nói!
05:00, 04/08/2023
KKT Lao Bảo, La Lay: Phí thu đều và đủ, hạ tầng vẫn yếu và thiếu!
14:25, 05/10/2023