Kinh tế thế giới

"Quay lưng" trái phiếu Mỹ, giới đầu tư tìm tài sản trú ẩn khác

Nam Trần 10/04/2025 11:00

Sức hút trái phiếu chính phủ Mỹ suy giảm khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm lựa chọn thay thế từ các thị trường khác.

Từng được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong giai đoạn bất ổn, trái phiếu chính phủ Mỹ đang dần mất sức hút khi triển vọng dài hạn của Mỹ suy yếu

Các nhà đầu tư toàn cầu đang điều chỉnh lại chiến lược trong bối cảnh thị trường tài chính biến động mạnh, khi trái phiếu chính phủ Mỹ – từ lâu được xem là tài sản an toàn nhất thế giới – đang mất dần sức hấp dẫn.

Trái phiếu Đức, Nhật thành lựa chọn mới

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 40 điểm cơ bản từ đầu năm nay, có thời điểm xuống dưới 4% trong tuần này, phản ánh dòng vốn tìm đến nơi trú ẩn. Tuy nhiên, thay vì đổ dồn vào trái phiếu Mỹ như thông lệ, nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường khác – đáng chú ý là Đức và Nhật Bản – nơi lợi suất trái phiếu đang có xu hướng tăng nhẹ nhờ kỳ vọng thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ.

Lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức hiện ở mức khoảng 2,66%, tăng so với đầu năm do chính phủ nước này công bố kế hoạch mở rộng chi tiêu quốc phòng và đầu tư hạ tầng.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, lợi suất trái phiếu cùng kỳ hạn đã tăng lên khoảng 1,25% – mức cao nhất trong nhiều năm – sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phát tín hiệu rút dần khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Dù lợi suất trái phiếu Đức và Nhật vẫn thấp hơn so với Mỹ, các chuyên gia nhận định mức chênh lệch hiện tại đủ để thu hút nhà đầu tư tại châu Âu và Nhật Bản, nhất là khi họ đã phòng ngừa rủi ro tỷ giá khi mua tài sản định giá bằng USD.

Sự bất định trong chính sách của ông Trump và nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ góp phần khiến một bộ phận nhà đầu tư cân nhắc giảm tỷ trọng trái phiếu Mỹ trong danh mục để quay về thị trường trong nước – nơi triển vọng chính sách được đánh giá là ổn định hơn.

Matthew Raskin, Trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất tại Deutsche Bank, nhận định: “Các chính sách hiện tại của Mỹ đang làm giảm sức hấp dẫn của trái phiếu chính phủ đối với nhà đầu tư nước ngoài.”

Điều này có tác động gì tới Mỹ?

Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 1/3 tổng lượng trái phiếu chính phủ Mỹ, với phần lớn tập trung vào các kỳ hạn dài.

Theo phân tích của Barclays, khu vực nước ngoài là nguồn cầu lớn nhất với trái phiếu Mỹ trong năm ngoái, với mức mua ròng khoảng 910 tỷ USD, trong đó một nửa là trái phiếu chính phủ.

Một số chuyên gia cho rằng nếu dòng tiền từ nước ngoài giảm sút, đường cong lợi suất Mỹ có thể sẽ dốc hơn – tức là lợi suất trái phiếu dài hạn tăng nhanh hơn so với ngắn hạn. Điều này không chỉ gây áp lực lên chi phí vay mượn của chính phủ Mỹ mà còn tác động đến thị trường toàn cầu, nơi trái phiếu Mỹ đóng vai trò tham chiếu quan trọng.

Các nhà đầu tư kỳ vọng vào các nỗ lực ổn định tài khóa từ Đức và Nhật Bản, những nền kinh tế quan trọng còn lại của thế giới (Ảnh: Business Insider)

Thực tế, dấu hiệu sụt giảm niềm tin với trái phiếu chính phủ Mỹ đã xuất hiện. Hôm thứ Hai, giá trái phiếu Mỹ giảm khiến lợi suất tăng – điều bất thường trong giai đoạn bất ổn. Một cuộc đấu giá 58 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 3 năm hôm thứ Ba thu hút lượng mua yếu, kéo lợi suất các kỳ hạn dài tăng thêm. Thị trường hiện tập trung vào hai đợt đấu giá trái phiếu kỳ hạn 10 và 30 năm sắp tới.

Theo Ben Wiltshire, chiến lược gia tại Citigroup, đợt bán tháo này có thể báo hiệu một giai đoạn mới, nơi trái phiếu Mỹ không còn là tài sản trú ẩn hàng đầu trong giai đoạn rủi ro tăng cao.

Đức và Nhật Bản nỗ lực ổn định tài khóa sớm

Trong bối cảnh này, châu Âu nổi lên như một điểm đến thay thế nhờ vào sự thay đổi chính sách tài khóa.

Đức đã công bố kế hoạch phát hành thêm hàng trăm tỷ euro trái phiếu để tài trợ cho các chương trình quốc phòng và hạ tầng. Lợi suất Bund – trái phiếu chính phủ Đức – tăng mạnh kể từ đầu tháng 3 khi thị trường định giá lại rủi ro cung tăng cao.

Tại Nhật Bản, năm tài chính mới vừa bắt đầu, cũng là thời điểm các quỹ đầu tư xem xét phân bổ lại tài sản. Theo ông Hideo Shimomura, Giám đốc đầu tư tại Fivestar Asset Management (Tokyo), lợi suất tại châu Âu đang hấp dẫn hơn và có thể thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư Nhật. “Tôi tin rằng nhiều nhà đầu tư Nhật sẽ chọn hướng đi này,” ông nói.

Đồng thời, các tổ chức tài chính quốc tế đang cảnh báo về một sự thay đổi có hệ thống. Deutsche Bank cho rằng niềm tin vào đồng USD có thể suy giảm, trong khi UBS nhận định điều này có thể củng cố vai trò của đồng euro như một đồng tiền dự trữ toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng những chuyển dịch này sẽ diễn ra từ từ.

Trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn là tài sản lớn, có tính thanh khoản cao và được nhiều quốc gia nắm giữ như một phần của dự trữ ngoại hối. Song, trong môi trường mà rủi ro địa chính trị và bất ổn chính sách gia tăng – đặc biệt dưới nhiệm kỳ của ông Trump – các nguyên tắc cũ của tài chính quốc tế có thể không còn đúng.

Trong nhiệm kỳ hiện tại, ông Trump đã thực hiện các chính sách gây tranh cãi như cắt giảm quy mô chính phủ, áp thuế thương mại quy mô lớn, và đưa ra những tuyên bố gây sốc liên quan đến việc mua lại Greenland, kênh đào Panama và thậm chí là Canada. Những động thái này, theo các nhà phân tích, có thể làm xói mòn niềm tin vào sự ổn định chính sách kinh tế của Mỹ.

Mark Howard, chuyên gia phân tích tại BNP Paribas, bình luận: “Thị trường quốc tế đang đặt câu hỏi về định hướng chính sách và mức độ chắc chắn trong lợi suất kỳ vọng tương lai.”

Ông cũng nhận định rằng nếu xu hướng phi toàn cầu hóa tiếp tục gia tăng, điều này sẽ ảnh hưởng đến cán cân cung – cầu trái phiếu Mỹ, đặc biệt ở kỳ hạn dài. Trong bối cảnh này, lợi suất cao hơn tại châu Âu và Nhật Bản có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư nội địa và giảm sự phụ thuộc vào trái phiếu Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Quay lưng" trái phiếu Mỹ, giới đầu tư tìm tài sản trú ẩn khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO