Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý 1/2023, trong đó ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ du lịch phục hồi mạnh mẽ.
>>Doanh nghiệp trong hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023
Trong Báo cáo cập nhật vĩ mô chúng tôi vừa phát hành, những điểm chính của kinh tế 2 tháng đầu năm 2023 đã cho thấy những tín hiệu tích cực khi hoạt động sản xuất phục hồi trở lại. Cụ thể:
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 2/2023 tăng 3,6% so với cùng kỳ từ mức nền thấp do kỳ nghỉ Tết rơi vào tháng 2 năm ngoái. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã tăng lên 51,2 điểm trong tháng 2, chấm dứt chuỗi ba tháng liên tiếp đạt ngưỡng dưới 50 điểm, báo hiệu khả năng phục hồi sản xuất trong những tháng tới.
Đầu tư công tăng tốc trong tháng 2 khi số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, vốn Nhà nước thực hiện vào tháng 2/2023 tăng 36,9% so với cùng kỳ gần 30.000 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, vốn Nhà nước thực hiện tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Lạm phát của Việt Nam đã giảm xuống 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 2 từ mức 4,9% so với cùng kỳ trong tháng 1. So với tháng trước, CPI Việt Nam tăng 0,45%, thấp hơn so với mức tăng 0,52% của tháng 1.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) cũng ghi nhận giảm mạnh sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB), do thị trường kỳ vọng Fed sẽ có quan điểm ôn hòa hơn về chính sách tiền tệ. Tính đến ngày 13/03/2023, DXY giảm xuống còn 104,0 điểm, giảm 1,3% so với thời điểm trước khi xảy ra sự kiện SVB. Chỉ số DXY giảm kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,1% so với đầu năm xuống 23.612.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước mới đây quyết định giảm một số lãi suất điều hành từ ngày 15/03/2023 nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế. Theo đó, Quyết định số 313/QD-NHNN giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, nhưng giảm lãi suất tái chiết khấu 1% về 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các TCTD cũng giảm về mức 6% từ 7%. Quyết định số 314/QDNHNN giảm 0,5% lãi suất các khoản cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD với nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ về 5%/năm.
>>Cấp tập hạ lãi suất cho mục tiêu tăng trưởng GDP
Theo đó, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý 1/2023, du lịch phục hồi mạnh mẽ sẽ bù đắp cho sản xuất chậm lại. GDP Việt Nam sẽ tăng tốc dần trong các quý còn lại và duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 ở mức 6,2%.
Ngành dịch vụ được kỳ vọng sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong quý 1/2023 nhờ du lịch phục hồi mạnh mẽ. Dự báo ngành dịch vụ sẽ tăng trưởng ở mức 7,9% so với cùng kỳ trong quý 1/2023, thấp hơn một chút so với mức cao đột biến là 8,1% so với cùng kỳ trong quý 4/2022. Tuy nhiên, vẫn là sự cải thiện mạnh mẽ so với mức tăng 4,6% svck trong quý 1 năm ngoái.
Bên cạnh đó, đơn hàng sản xuất của Việt Nam giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xây dựng trong quý đầu tiên của năm 2023. Do đó, ngành này chỉ tăng 3,7% trong quý1/2023, giảm từ mức 4,2% trong quý 4/2022 và 6,4% trong quý 1/2022.
Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản sẽ tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ trong quý 1/2023. Do đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ dần phục hồi trong các quý còn lại của năm 2023, đến từ kỳ vọng từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ kinh tế toàn cầu phục hồi. Điều này cũng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2023, chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức 6,2%, trong đó có 3 yếu tố rủi ro được đưa ra đối với dự báo, bao gồm:
Thứ nhất, lạm phát cao hơn kỳ vọng: Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một biến số đối với lạm phát toàn cầu trong năm 2023. Tiêu dùng phục hồi mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu cao hơn dự báo.
Thứ hai, chỉ số DXY mạnh hơn dự kiến có thể gây thêm áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Các thị trường đang đặt kỳ vọng cao vào kịch bản FED chỉ tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, nếu vì một lý do nào đó, như lạm phát cao hơn dự báo hoặc tăng trưởng tiền lương cao hơn dự kiến, thì có khả năng FED sẽ tăng lãi suất điều hành cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Điều này có thể khiến chỉ số DXY mạnh lên và gây thêm áp lực lên tỷ giá VND.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến của các đối tác thương mại lớn sẽ tác động tiêu cực hơn đến xuất khẩu của Việt Nam: Kịch bản tăng trưởng xuất khẩu của chúng tôi dựa trên giả định kinh tế Mỹ tránh được suy thoái trong năm 2023. Trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái thì xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị tác động xấu hơn.
Có thể bạn quan tâm
Tăng trưởng trước áp lực xuất khẩu giảm: Ứng phó chính sách linh hoạt
03:30, 18/03/2023
VBF 2023: Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh
12:46, 17/03/2023
Cấp tập hạ lãi suất cho mục tiêu tăng trưởng GDP
05:30, 16/03/2023
Vì sao khu vực dịch vụ trở thành động lực tăng trưởng bền vững?
04:10, 14/03/2023
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
03:30, 10/03/2023