Các quỹ Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất, có tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các công ty khởi nghiệp trong nước.
>>6 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm rót vào một startup công nghệ Việt
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2023 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - NIC (thuộc Bộ Kế hoạch-Đầu tư) và Do Ventures – một quỹ đầu tư mạo hiểm, lịch sử đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 2000 khi đất nước mở cửa nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, nước ta đã trải qua ba thế hệ nhà đầu tư mạo hiểm.
Vào đầu những năm 2000, các quỹ đầu tư mạo hiểm bắt đầu xuất hiện và hầu hết các nhà quản lý quỹ là Việt kiều với nhiều kinh nghiệm quốc tế - đây là những nhà đầu tư tiên phong- năm 2004 – 2011. Họ góp phần chuyên nghiệp hóa quy trình đầu tư, áp dụng kiến thức từ nước ngoài vào hệ sinh thái trong nước. Có thể kể đến các Quỹ IDG Ventures, VinaCapital.
Thế hệ thứ 2 (từ năm 2012 – 2019) chính là nhà đầu tư doanh nhân. Năm 2012, một nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm mới xuất hiện ở Việt Nam. Rất nhiều trong số họ là các doanh nhân, những nhà sáng lập bước vào con đường đầu tư. Thế hệ nhà đầu tư này có khẩu vị đa dạng hơn về chiến lược và lĩnh vực đầu tư, và họ bắt đầu quan tâm đến những doanh nghiệp ĐMST nội địa có khuynh hướng đưa sản phẩm ra các thị trường mới trong khu vực. Do nhà đầu tư thế hệ 2 huy động vốn chủ yếu từ các nguồn lực nội địa, họ gặp những hạn chế nhất định về số lượng tài sản mà quỹ có thể quản lý và khả năng đầu tư ở quy mô lớn. Những cái tên VIISQ, VSV, NEXT 100, Zone Startup,… trở nên nổi trong giai đoạn này.
Thế hệ thứ 3, từ năm 2020 đến nay, đặc biệt quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực nhằm năng nâng cao chất lượng cuộc sống như y tế, giáo dục, và công nghệ xanh. Nhà đầu tư thế hệ 3 có khả năng huy động nguồn vốn từ nước ngoài nên quy mô quỹ của họ tăng lên đáng kể. Điều này mang lại lợi thế nổi trội, giúp họ theo đuổi những mục tiêu lớn hơn cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam. Ansible Ventures. VinaCapital Ventures, Do Ventures, ThinkZone, Ascend Vietnam Ventures là những quỹ đầu tư được nhắc nhiều.
>>Làng khởi nghiệp Việt có thêm quỹ đầu tư mạo hiểm mới
Theo Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ 2023, bất chấp những khó khăn của trong môi trường đầu tư toàn cầu thời gian qua, các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn tích cực về hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam. Năm 2022, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Số lượng quỹ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có giảm nhẹ, nhưng các quỹ trong nước lần đầu tiên dẫn đầu và trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất.
Giá trị đầu tư và số lượng thương vụ có sự tham gia của các quỹ nội địa có xu hướng tăng dần qua các năm. Đáng chú ý, trong năm 2022, giá trị các thương vụ có sự tham gia của quỹ nội địa đạt mức cao kỷ lục 287 triệu USD. Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục giải ngân vào doanh nghiệp ĐMST nhờ vào niềm tin dài hạn và các cơ hội đột phá có thể được tạo ra trong giai đoạn khủng hoảng.
“Trong bối cảnh thị trường đang thay đổi, chúng tôi vẫn kiên định với nhịp độ đầu tư của mình. Thông điệp của chúng tôi tới các công ty khởi nghiệp: Đừng để tình thế hiện tại làm giảm tham vọng. Hãy đặt ra mục tiêu cao hơn và nỗ lực trở thành công ty đầu ngành trên quy mô toàn cầu. Hãy nhớ rằng các công ty vĩ đại thường lớn mạnh trong thời kỳ khó khăn”, ông Bình Trần – Giám đốc Điều hành Ascend Vietnam Ventures cho biết.
Có thể bạn quan tâm