Khi đầu tư ra nước ngoài, rất nhiều doanh nghiệp Việt còn gặp khó khi không hiểu hết được những quy định pháp lý của nước sở tại và những quy định theo công ước quốc tế.
Theo Cục đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư. Campuchia là thị trường xếp thứ 4 sau Australia, Hoa Kỳ. Theo nhiều dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt là sự gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại buổi Tọa đàm Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài: “Các rủi ro và thách thức tuân thủ pháp luật” diễn ra vào sáng nay (10/1), nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài đang có tiềm năng rất lớn nhưng bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần cẩn trọng để không bị rơi vào rủi ro.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ông Hoàng Quang Phòng cho biết, trong các quốc gia tiếp nhận đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam, hai nước Lào và Campuchia là nơi có số lượng dự án và tổng số vốn cam kết đầu tư lớn nhất. Các lĩnh vực chủ yếu là trồng và khai thác cây công nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng...
Có thể bạn quan tâm
05:10, 03/09/2018
15:29, 01/06/2018
04:33, 11/05/2018
15:10, 03/08/2017
Tuy nhiên, theo vị Phó Chủ tịch VCCI, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều bỡ ngỡ trước các vấn đề luật pháp quốc tế, luật pháp nước sở tại, phong tục, tập quán, văn hóa của người bản địa... Vì vậy, một số dự án đầu tư đã không đạt được các kết quả kinh tế như mong đợi.
Bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Dak Lak cho rằng, khi đầu tư ra nước ngoài, ngoài những khó khăn về khác biệt ngôn ngữ, văn hóa, doanh nghiệp còn gặp khó khi không hiểu hết được những quy định pháp lý của nước sở tại và những quy định theo công ước quốc tế. Đồng thời, việc chưa đánh giá hết được những rủi ro liên quan đến văn hóa, tập tục của người bản địa cũng là một rào cản lớn.
Do đó, khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp rất cần những công cụ hướng dẫn để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm giảm thiểu bớt những rủi ro khi đầu tư và thêm các kênh thông tin đáng tin cậy để kết nối hợp tác.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng - đại diện Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đánh giá, việc còn rất nhiều bất cập phát sinh ngay từ cơ quan quản lý và chính sách đất đai đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn và thách thức trong tuân thủ pháp luật. Theo đó, trong chính sách về đất đai, vướng mắc quan trọng nhất là vấn đề quyền của người bản địa.
"Pháp luật quốc tế kêu gọi các quốc gia tôn trọng quyền của người bản địa. Điều này được hiểu là việc chiếm hữu, sử dụng đất đai theo tập quán của những cộng đồng đã sinh sống và sử dụng từ lâu đời" - bà Phượng cho biết.
Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, tránh những rủi ro, bà Phượng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam trước hết cần tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật các nước sở tại. Để tránh những rủi ro từ tranh chấp đất đai, các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các bên liên quan để xác định hiện trạng tài sản trên đất. Và trong quá trình thực hiện có sự tham gia của các bên liên quan; hoặc có những thỏa thuận bồi thường.
“Đặc biệt, sự tham gia của bên thứ ba như cơ quan quản lý hoặc đại diện của các tổ chức phi chính phủ nước sở tại (NGOs) là rất cần thiết” – bà Phượng nói – “Như trường hợp sản xuất mía đường tại Campuchia, khi đã thất bại với các phương thức giải quyết tranh chấp trong nước, người dân bản địa với sự trợ giúp của các NGO tìm đến một loạt diễn đàn xuyên quốc gia để gây áp lực và giải quyết bằng luật pháp quốc tế”.
Trong khuyến cáo của Cục đầu tư nước ngoài cũng cho biết, thời gian tới, các cơ quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, tăng cường hợp tác chặt chẽ với Chính phủ nước sở tại trong việc trao đổi thông tin, xây dựng cơ chế chính sách, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, ổn định…