Tâm điểm

Đầu tư công - kỳ vọng từ những điểm sáng

Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Yuanta Việt Nam 14/07/2025 04:47

Các tháng đầu năm 2025, giải ngân đầu tư công chưa thực sự tích cực. Nhưng những điểm sáng đang bật tín hiệu đầy kỳ vọng đẩy mạnh động lực đầu tư quan trọng này trong nửa cuối năm.

Long Thanh
Ước tính đến hết tháng 6 năm 2025, tổng vốn giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. (Thi công Nhà ga hành khách Sân bay Long Thành. Ảnh: Hoàng Bình).

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 bao gồm vốn theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, vốn cân đối ngân sách địa phương và vốn chuyển nguồn từ các năm trước là 966.784,2 tỷ đồng. Bộ Tài chính ước tính đến hết tháng 6 năm 2025, tổng vốn giải ngân đạt 268.133,9 tỷ đồng, tương đương 29,6% kế hoạch năm và 32,5% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. So với tiến độ giải ngân của cùng kỳ năm 2024, tốc độ giải ngân chỉ đạt lần lượt 26,4% và 28,2%.

Sẵn sàng nguồn lực

Có thể nói giải ngân đầu tư công đang khá thấp so với mục tiêu và kỳ vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung, đã và đang xuất hiện những tín hiệu tích cực.

Thứ nhất, tín dụng những tháng đầu năm tăng lên rất mạnh. NHNN thống kê tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.

Thứ hai, dữ liệu ghi nhận thời gian gần đây Chính phủ đã liên tục phát hành trái phiếu. Ước tính từ đầu năm 2025 đến ngày 4/6, Kho bạc Nhà nước đã huy động được gần 173.427 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở các kỳ hạn từ 5 đến 30 năm, hoàn thành khoảng 35% kế hoạch phát hành cả năm là 500.000 tỷ đồng. Tháng 6 đặc biệt ghi nhận hoạt động gọi vốn sôi động. Một phần nguồn vốn trái phiếu đến từ tín dụng, giải ngân cho các dự án đầu tư công. Và trái phiếu Chính phủ huy động mới cũng sẽ tiếp tục là nguồn vốn phần lớn để phục vụ đầu tư công.

Việc tăng tốc huy động vốn và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng có thể đạt trên 16%, sẵn sàng nguốn vốn trái phiếu đặc biệt gói gọi thầu kỷ lục 500 nghìn tỷ đồng, cho thấy mục tiêu cao về đẩy mạnh vốn đối với đầu tư quan trọng này.

Chính phủ mặt khác đang cho thấy quyết tâm khi vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng cao từ trên 8%.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 6/7/2025 về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025. Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu hiệu quả cho các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, cơ quan, địa phương. Tiếp tục rà soát, tổng hợp đề nghị của các bộ, cơ quan, địa phương về điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Các động thái từ các nguồn lực vốn như nêu càng củng cố cơ sở cho thấy quyết tâm của Chính phủ đối với đầu tư công.

Tăng tốc cuối năm

Bên cạnh đó, việc Chính phủ quyết tâm đẩy tư công theo quan điểm của chúng tôi, là cần thiết và tất yếu. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao từ 8% trở lên, trong bối cảnh hiện nay, đó là động lực trụ cột và quan trọng bậc nhất. Một số điểm đáng chú ý về bối cảnh như sau:
Thứ nhất, ảnh hưởng của biến động thuế quan có thể tác động đến khu vực xuất khẩu. Nếu quý II chúng ta có tăng trưởng xuất khẩu, không loại trừ có tác động của tăng nhập khẩu để dự trữ hàng hóa trước thời hạn 90 ngày hoãn thuế quan kết thúc. Trong một kịch bản thuế quan nếu không hoàn toàn như kỳ vọng, động lực đầu tư công càng cần đẩy mạnh, lan tỏa.

Thứ hai, cùng với đầu tư công, chúng ta cũng đang và sẽ phải đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Trong đó, đầu tư công và tiêu dùng nội địa có tương quan, bổ trợ cho nhau. Song khác với các quốc gia khác, cần nhìn nhận rằng trong những năm qua, nguồn lực tiêu dùng của chúng ta không quá mạnh, tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP từ tiêu dùng nội địa vẫn không quá lớn. Do đó, khi xuất khẩu còn rủi ro, tiêu dùng nội địa còn mỏng và có thể còn chịu tác động của lo ngại thuế quan dẫn đến tâm lý thắt lưng buộc bụng, thì đầu tư công sẽ bù đắp các động lực yếu hơn.

Trong tháng 5 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Quốc Hội cũng đã thông qua Nghị quyết 198. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 139 về một số cơ chế, chính sách thực thi Nghị quyết 198. Rõ ràng chúng ta đang có lực đẩy mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân - khu vực đang và được kỳ vọng nâng tỷ trọng đóng góp cho GDP. Tuy nhiên, từ chủ trương, chính sách đến thực thi vẫn cần thời gian. Tôi cho rằng các chính sách cần thời để đi vào, ngấm, phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Theo đó, để đảm bảo cho tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 và các năm sau từ 2 con số, vai trò thúc đẩy đầu tư công chặng cuối giai đoạn 2021-2025 và xa hơn, chuẩn bị cho kế hoạch trung hạn 2026-2023, có ý nghĩa lớn.

Đối với mục tiêu tăng trưởng cao được đặt ra, theo chúng tôi là mục tiêu đúng bởi Việt Nam đang ở chu kỳ dân số trẻ có phần dịch chuyển sang dân số già trong tương lai; nếu chúng ta muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì chỉ có thể phấn đấu đẩy mạnh tăng trưởng và duy trì được tăng trưởng 2 chữ số trước khi nền kinh tế bước sang dân số già và tốc độ tăng trưởng của chúng ta sẽ chậm lại, mãi mãi không kết thúc nghèo. Đó là lí do vì sao phải quyết tâm tăng trưởng cao, vì sao đầu tư công phải thể hiện được “đòn bẩy” tăng trưởng của nền kinh tế.

Cũng phải nói thêm, trong thời gian gần đây, các tỉnh thành địa phương đã thực hiện tinh gọn, sáp nhập. Cuộc cải tổ này sẽ giúp mục tiêu lâu dài của Việt Nam - với việc rút ngắn quy trình phục vụ, sẽ có lợi cho không chỉ doanh nghiệp, người dân, còn có lợi cho lĩnh vực đầu tư công. Chưa kể, nhiều sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các khung khổ pháp lý quy định liên quan đến đầu tư công, đầu tư đối tác công tư cũng mang tầm nhìn dài hạn… Như vậy, các động lực đang và sẽ hỗ trợ cho đầu tư công tăng tốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đầu tư công - kỳ vọng từ những điểm sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO