Rủi ro tăng trưởng kinh tế thế giới

Nham Biền 29/04/2018 10:38

Tại kỳ họp mùa xuân 2018 được tổ chức mới đây, IMF và WB đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,9% năm 2018 và 2019, song cũng tiềm ẩn một số rủi ro.

Điều không được đánh giá cao ở kỳ họp này của IMF và WB là những khuyến nghị chính sách cho các nước thành viên vẫn còn quá chung chung, chứ không có những khuyến nghị cụ thể đến mức có được tính khả thi cao trên thực tế.

p/Hội nghị mùa xuân của IMF và WB được tổ chức tại Washington, Mỹ.

Hội nghị mùa xuân của IMF và WB được tổ chức tại Washington, Mỹ.

Đẩy mạnh cải cách kinh tế, chính trị, xã hội

Với dự báo về triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới là 3,9% cho năm 2018 và 2019, cả IMF và WB đều tỏ ra lạc quan. Mức 3,9% không phải là cao, lại càng không phải là mức kỷ lục đối với kinh tế thế giới từ xưa đến nay. Nhưng kinh tế thế giới đã phải trải qua thời gian khá dài để khắc phục khủng hoảng và vượt qua suy thoái mới dần đạt được mức độ tăng trưởng đó.

Dự báo này càng có ý nghĩa tích cực hơn khi môi trường tăng trưởng nói chung không được thuận lợi cho kinh tế thế giới trên nhiều phương diện. Chiến tranh và xung đột vũ trang, biến động chính trị an ninh thế giới, bảo hộ mậu dịch và khó khăn tài chính ở nhiều nước đều đang tác động rất tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế nói riêng. Tự do hoá trên bình diện khu vực và toàn cầu cũng như vai trò và ảnh hưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã và đang bị đe doạ nghiêm trọng. Trong khi đó, một số quốc gia hiện vẫn đang tồn tại những bất đồng, căng thẳng và đối đầu dai dẳng về chính trị, thương mại. Mức độ vay nợ công và nợ của tư nhân hiện đã đến mức báo động và có chiều hướng còn tiếp tục gia tăng.

  IMF coi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn, là trở ngại cần phải được khắc phục để kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. 

Chính vì môi trường kinh tế, chính trị và xã hội thế giới bất lợi như thế mà IMF và WB không thể không bày tỏ nỗi lo ngại sâu sắc và có cơ sở thực tế để cảnh báo những rủi ro và đe doạ đối với triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Cùng với sự cảnh báo ấy, IMF đã thôi thúc các nước thành viên, đặc biệt những nước với cơ cấu dân số già tăng trong khi số lượng người trẻ tuổi giảm và năng suất lao động suy giảm, phải tận dụng mọi cơ hội để quyết tâm giảm mức độ vay nợ và triệt để đẩy mạnh những cuộc cải cách kinh tế, chính trị và xã hội cần thiết. Những biện pháp chính sách cụ thể ở đây là áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế thích hợp, kiên quyết giảm mức độ vay nợ của cả khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân, lành mạnh hoá ngân sách nhà nước, chống tham nhũng triệt để và thật sự, kết hợp cải cách chính trị với cải cách xã hội để hậu thuẫn cho tăng trưởng kinh tế được năng động, ổn định và thật sự bền vững.

Đối phó với chủ nghĩa bảo hộ

IMF coi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tranh chấp thương mại giữa các đối tác trên thế giới, đặc biệt giữa các nền kinh tế lớn, là trở ngại cần phải được khắc phục để kinh tế thế giới có thể tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Giám đốc điều hành của IMF Christine Largade phê phán những chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đề cập trực tiếp đến nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Cũng trên phương diện này, IMF nhắc nhở trách nhiệm của các nước thành viên về thực hiện tự do hoá mậu dịch và đối phó chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Kết quả của kỳ họp năm nay của IMF và WB được nhìn nhận và đánh giá rất khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực, từ đáng khích lệ đến khiến thất vọng,... Bên nào cũng có lý lẽ riêng của họ. Dù đánh giá thế nào thì cũng nên thấy rằng, IMF đã nhìn ra vấn đề cần phải giải quyết và đang muốn cùng WB gây dựng vai trò mấu chốt nhất, quyết định nhất trong việc giải quyết chúng. IMF và WB không dấu diếm tham vọng đóng vai trò của "cái neo ổn định" giữa những biến động mạnh mẽ và khó lường trong thế giới hiện đại.

Đối với các nước thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng, những kết quả của kỳ họp này và đặc biệt là những yêu cầu của IMF đều rất đáng được suy ngẫm, phân tích đánh giá và khai thác giá trị. Muốn giảm mức độ vay nợ thì trước hết cần cải cách chế độ chi tiêu và chiến lược đầu tư, phải xem xét lại chính sách về tài chính và ngân sách, phải thực hành tiết kiệm và chống tham nhũng, phải có chính sách thuế phù hợp vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, vừa tạo được đồng thuận cao trong xã hội. Áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế nào thì cũng đều phải gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế trong nước với xuất khẩu, tức là không thể không tiếp tục thương mại tự do cả trong quan hệ thương mại song phương lẫn đa phương. Việc thể chế hoá các mối quan hệ kinh tế đối ngoại này được thực hiện càng sớm bao nhiêu, thì đối phó với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch càng hiệu quả bấy nhiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rủi ro tăng trưởng kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO