Với độ mở lên tới gần 100%, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động từ bên ngoài khi nền kinh tế thế giới có bất ổn.
Thị trường tài chính toàn cầu đang diễn biến khó lường, ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, xoay quanh chính sách thương mại của Mỹ cùng lộ trình thắt chặt tiền tệ của FED và nhiều nền kinh tế phát triển.
Chiến tranh thương mại leo thang
Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung ngày càng leo thang và hai quốc gia này chưa cho dấu hiệu nhượng bộ nhau. Thị trường đang tiếp tục thấp thỏm chờ đợi quyết định cuối cùng của Tổng thống Trump về việc áp thuế lên 200 tỷ USD tiếp theo, thậm chí 267 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
07:15, 01/09/2018
04:01, 09/09/2018
04:30, 30/08/2018
11:49, 27/08/2018
04:30, 29/08/2018
08:54, 26/10/2017
09:40, 17/10/2017
11:01, 02/09/2018
15:12, 01/08/2018
01:16, 17/06/2018
13:30, 14/06/2018
Trong khi đó, đàm phán Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) dù đã có bước tiến thành công giữa Mỹ và Mexico, nhưng lại gặp vướng mắc khi Canada không sẵn sàng nhượng bộ Mỹ. Nhật Bản có thể là mục tiêu tiếp theo mà Mỹ nhắm tới khi thâm hụt thương mại của nước này với Nhật Bản xếp thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Theo SSI, thị trường tài chính đang là nơi hứng chịu khi rủi ro thương mại gia tăng. Đồng CNY tiếp tục “lao dốc” mạnh trong tháng 8, tỷ giá USD/CNY tăng lên mức 6,93, giảm tới 9,6% trong vòng 4 tháng qua. Theo đó, NHTW Trung Quốc (PBoC) đã áp dụng nhiều biện pháp “cứu” CNY, từ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với trạng thái mua USD đến áp dụng “yếu tố phản chu kỳ” (CCF) trong việc tính toán tỷ giá tham chiếu hàng ngày.
CCF đã từng được PBoC áp dụng từ tháng 6/2017 đến tháng 1/2018. Trong giai đoạn này, CNY đã tăng khoảng 8%. Sau khi CCF được áp dụng trở lại từ ngày 24/8 vừa qua, tỷ giá CNY đã tăng 1%. CNY được dự báo sẽ tiếp tục ổn định trở lại trong thời gian tới.
Áp lực thắt chặt tiền tệ
Ngoài Mỹ, nhiều nước phát triển và nhóm nền kinh tế mới nổi cũng đã và đang có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.
FED đã tăng lãi suất 5 lần, và nhiều chuyên gia nhận định cơ quan này có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã giảm mua trái phiếu từ mức 30 tỷ EUR xuống 15 tỷ EUR/tháng vào tháng 9 năm 2017, và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. NHTW Anh cũng đã nâng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm lên 0,75% trong tháng 8 vừa qua, và NHTW Canada cũng đã tăng lãi suất cơ bản 2 lần trong năm nay.
Đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Mexico, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina... cũng liên tục tăng lãi suất cơ bản, trong đó Argentina tăng lãi suất lên tới 60%, nhằm kiềm chế lạm phát. Bởi, tiền tệ của phần lớn các quốc gia này đã mất giá khá mạnh trong năm 2018. Trong đó, Peso của Argentina giảm tới 50%, Lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 42%...
Cùng với đó, chỉ số MSCI Emerging Currency Index đã giảm 6,6% kể từ đầu năm. Tại khu vực Đông Á, ngoại trừ Nhật Bản có đồng nội tệ tăng nhẹ, hầu hết các đồng tiền đều mất giá dưới 10%. VND giảm 2,7%, chỉ sau mức giảm 1,7% của đồng Bath Thái Lan.
Tại Việt Nam, lãi suất đã chạm đáy từ tháng 4 và xu hướng tăng lãi suất đã rõ nét. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị bán ròng liên tiếp. Trên thị trường trái phiếu, mặc dù sự tham gia của khối ngoại rất khiêm tốn, khối này đã liên tục bán ròng với tổng giá trị 2.700 tỷ đồng từ đầu năm 2018.
SSI cho rằng, môi trường lãi suất thay đổi sẽ tác động tới sự dịch chuyển dòng vốn toàn cầu và có sức lan tỏa mạnh. Các nền kinh tế phát triển đang tiếp tục chuyển sang chính sách thắt chặt tiền tệ trước nguy cơ tăng trưởng nóng và lạm phát tăng cao sau một thời gian dài nới lỏng tiền tệ. Trong khi, các thị trường đang phát triển cũng phải đối mặt với rủi ro lạm phát tăng nhanh và sự mất giá đồng nội tệ. Do đó, các thị trường này có thể chịu rủi ro lớn khi dòng vốn bị rút ra để tìm về các tài sản an toàn một khi thị trường có biến động mạnh.